IP:3.21.21.209

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




'Điều thần kỳ' trong cải cách giáo dục ở Bulgaria
19/09/2009 07:07 AM

Theo số liệu của Viện Thống kê nước này, gần đây mức dân trí ở Bulgaria đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ dân số có trình độ đại học – cao đẳng tăng từ 22% năm 2004 lên 29% năm 2008.

Đại học Tổng hợp Sofia (Bulgaria). Nguồn ảnh: civiceducationproject

Tỷ lệ dân số có trình độ trung cấp cũng tăng, tạo nên thành quả quan trọng là 78% dân số ở tuổi lao động có trình độ học vấn trung - đại học ở vào thời điểm Bulgaria được nhận vào Cộng đồng châu Âu. Điều thần kỳ nào đã xảy ra ở đất nước từng bị coi là trì trệ trong cải cách giáo dục ở ngưỡng cửa thế kỷ 21?

Khởi đầu nan

Năm 2003, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế quốc tế, học sinh trung học Bulgaria đứng thứ 33 trong tổng số 41 nước trong bảng xếp hạng về kiến thức chung và về Toán. Giáo dục bị xem là mất tính phổ cập khi 25% học sinh người Tsigan ở nông thôn bỏ trường, trong khi con số này ở học sinh người Bun nói chung chỉ chiếm 2%.

Năm đó, chỉ có 5% tín dụng của Ngân hàng Thế giới dành cho cải cách giáo dục được giải ngân. Trong số hàng chục quy chế mới được xem là phải đang được vận hành, chỉ có một vài cái được tuyên bố đã đưa vào hoạt động, và chưa đem lại hiệu quả gì đáng kể.

Trước đó, năm 2002, Bộ Giáo dục và Khoa học thực hiện lộ trình cải cách theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, đặc biệt trong việc soạn đề thi và công bố các chương trình thi, làm cho giáo viên và học sinh “ngơ ngác”. Sự kiện này đã gây ra phản ứng khá dữ dội trong công luận.

Phe chủ trương cách tân triệt để đã gióng lên những hồi chuông báo động. Tiến sĩ Evgeny Dainov - Giám đốc Trung tâm Xã hội hoá giáo dục, trưởng khoa của Đại học Mới, Sofia viết bài báo nổi tiếng “Cải cách giáo dục ở Bulgaria 1990–2003 bị đổ bể hoàn toàn?” (Реформа образования в Болгарии 1990 - 2003 гг.: полный провал?).

Các nhà cải cách chỉ ra những vấn nạn của hệ thống giáo dục và thiếu sót của những người làm giáo dục.

Đó là, công luận chỉ được thông tin phần nào về mục tiêu của cải cách giáo dục và hoàn toàn không cập nhật được với tiến trình cải cách; Không có văn bản pháp quy nào quy định chức trách của cán bộ Bộ Giáo dục và Khoa học Bulgaria phải thực hiện cải cách; Đã không hội đủ quyết tâm chính trị để thực hiện các chủ trương cải cách đã được chính thức tuyên bố; Thiếu báo cáo định kỳ, chưa đảm bảo độ minh bạch và sự kiểm soát của xã hội trong quá trình thực hiện cải cách giáo dục, một bộ phận quan chức ngành giáo dục đã cản trở việc thực hiện cải cách để duy trì quyền lợi cá nhân; Chưa tìm được cơ chế khuyến khích người làm công tác giáo dục đào tạo tham gia vào cải cách.

Ở cấp quốc gia, có sự thiếu nhất quán và quyết đoán của chính phủ trong thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, kể cả trong phi tập trung hoá cấp vốn cho giáo dục, thiếu quan tâm của xã hội đối với cải cách giáo dục, ngại mất độc lập và bản sắc dân tộc, hoặc bị xói mòn trong hội nhập, và quan điểm bảo thủ, óc tư lợi trong quan chức, làm “tròng trành” con thuyền cải cách giáo dục ở Bulgaria trong những năm đầu của thập kỷ.

Năm 2004, do quan ngại về hiệu quả giáo dục thấp, bất chấp bội chi ngân sách cho lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã ban hành tài liệu về chiến lược phát triển giáo dục, gây tranh cãi trong công luận.

Tới thời điểm bầu cử 2005, từ đòi hỏi khách quan về tiến độ gia nhập Cộng đồng, sự lo lắng về chất lượng của hệ thống giáo dục đã dẫn tới thống nhất dư luận về sự cần thiết phải tiến hành cải cách giáo dục.

Học thày không tày học bạn

Một trong những ưu thế của quá trình hoà nhập là khả năng học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Bulgaria có xu hướng học kinh nghiệm của các nước đang đối diện với những thách thức giống mình.

 

Tại một trường học của Bulgaria. Nguồn ảnh: Sofia Photo Agency

 Chẳng hạn, nước láng giềng của Bulgaria là Thổ Nhĩ Kỳ rất chú trọng đến cải thiện chất lượng giáo dục ngay ở lứa tuổi sắp tựu trường - theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới 2007, nhờ vậy mà về lâu về dài, học sinh đạt điểm số trong thi cử cao hơn, tăng lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, giảm tỷ lệ học sinh phạm pháp. Thổ Nhĩ Kỳ còn nghiêm cấm giáo viên được dạy thêm cho chính học sinh của mình.

Bulgaria cũng tham khảo kinh nghiệm đấu tranh chống nạn hối lộ trong giáo dục đào tạo của Gruzia - nước cũng đạt hiệu quả cao trong kết hợp hệ thống thi cử thống nhất với cơ chế thanh tra giáo dục và nâng cao tính minh bạch trong các trường đại học.

Bài học về giáo dục đào tạo của các nước đang phát triển hoặc ở trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế như Algeria, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Estonia và Zambia gợi lại khiếm khuyết của hệ thống giáo dục Đông Âu trước đây.

Đó là sự bất cập giữa tay nghề và học vấn của người lao động với các yêu cấu của thị trường. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đào tạo, dạy nghề ở Bulgaria hiện nay là huấn luyện kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề.

Từng được xem là vệ tinh của mô hình Xô viết - “hễ ở Matxcơva mưa thì ở Sofia cũng che ô”, nhưng tiến trình hội nhập của Bulgaria nay khá chắc chắn và chủ động. Các nguồn tài chính, nhất là tín dụng ngân hàng quốc tế phải được sử dụng kiểu “liệu cơm gắp mắm”, để không chồng chất nợ nần lên các thế hệ sau.

Theo Vietnamnet




CÁC TIN KHÁC

• Lớp trưởng... kiểu Đức (18/09/2009)
• Học ngoại ngữ để... thu nhập cao (18/09/2009)
• Giáo dục Đức: Cách ươm mầm cho tiến bộ xã hội (18/09/2009)
• Đồng tiền đi trước! (17/09/2009)
• Ở quốc gia không có khái niệm trường top (16/09/2009)
• Thờ ơ phân luồng, loay hoay giải pháp (15/09/2009)
• Đi học trên mạng xã hội (14/09/2009)
• Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học (13/09/2009)
• Hành trình con tôi vào lớp 1 (12/09/2009)
• Hiện trạng phân luồng học sinh sau THPT: Lãng phí (12/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd