Nguồn tài nguyên quý giá nhất của một quốc gia chính là những người tài đức. Nơi cung cấp chủ yếu nguồn tài nguyên ấy là các trường đại học. Với những khởi thuỷ mà đã chứa nhiều giả tạo, trong tương lai khi triển khai các hoạt động của mình, người ta rất băn khoăn, trường Đại học Phan Thiết (ĐHPT) có tiếp tục sử dụng những quan điểm chết người như vậy nữa không trong quy trình tạo ra nguyên khí cho đất nước.
Chạy ngược chiều
Nếu đối chiếu với cuộc vận động hai không của Bộ GD-ĐT: nói không với tiêu cực và nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội thì các sự việc liên quan đến ĐHPT trong thời gian qua đều ngược chiều. Việc tạo ra các hồ sơ giáo viên ảo trong hồ sơ thành lập trường, có tên gọi chính xác là tiêu cực. Và hình ảnh một nhà trường như thế, không tồn tại trong tâm nguyện của bất cứ một sinh viên nào, phụ huynh nào, xã hội nào. Giả sử nếu có, thì đó không phải là nhu cầu của đại đa số.
Hơn nữa, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ rõ bốn yếu tố cơ bản có quyết định đến chất lượng giảng dạy là: trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy của giáo viên; nội dung chương trình, nội dung các môn học; cơ sở vật chất hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy; phương thức quản lý (bỏ qua yếu tố của sinh viên).
Những yếu kém liên quan đến trường ĐHPT mà báo chí đề cập trong những ngày qua có ảnh hưởng trực tiếp đến ba trong số bốn yếu tố cơ bản trên. Cách đây khoảng hai tuần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói rằng, không duy trì các trường ĐH kém chất lượng, vậy trường ĐHPT hay những trường ĐH, CĐ tương tự có nên tồn tại không?
Mọi việc đã rõ, nghĩa là phương trình có nghiệm, nhưng sau khi kiểm tra e rằng việc xử lý lại một lần nữa bị vô nghiệm. Vì sao? Vì chính Bộ GD-ĐT là người ký quyết định thành lập, nay chính Bộ GD-ĐT lại là đơn vị kiểm tra!
Những hệ luỵ lâu dài
Chúng ta cũng thông cảm với tỉnh Bình Thuận, một trong số ít những tỉnh chưa có trường ĐH. Chúng ta cũng thông cảm cho hội đồng sáng lập trường khi tìm nhân sự cho một trường ĐH mà nguồn tìm kiếm dồi dào là ở tận TPHCM.
Nhưng họ cũng cần phải biết, nỗi buồn của 750 sinh viên như thế nào, khi được học trong ngôi trường như thế. Các em (và cả bố mẹ các em) sẽ có những mặc cảm gì, tự hào gì khi mang chiếc áo có khắc cụm từ ĐHPT để nói chuyện với bạn bè, họ hàng. Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn sản phẩm từ một trường như thế với con mắt như thế nào.
Không phải các em chỉ chịu đựng trong bốn năm học, mà còn chịu đựng cả đời về thương hiệu mà các em đã chọn ở quá khứ vì sự bất bình đẳng trong thông tin. Các vị trong hội đồng quản trị nếu có con em, họ có chọn những trường như thế để gởi gắm một mầm non ruột thịt của chính mình không? Cho dù Bộ GD-ĐT chưa xếp loại thứ bậc các trường ĐH, thì trong tâm trí những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, các nhà tuyển dụng thì thứ hạng đó cũng đã được hình thành từ những thông tin nhỏ như trên.
Vai trò của Bộ Giáo dục ở đâu?
Những sai phạm của trường ĐHPT không thể không có vai trò của Bộ GD-ĐT. Thay vì phấn đấu, chúng ta sẽ có trường ĐH vào top 200 của quốc tế vào năm 2020, hãy thay thế bằng lời cam kết quyết liệt không để trường ĐH, CĐ nào tồn tại với các tình trạng trên thì e rằng dễ khả thi và người dân dễ tin hơn. Vì chuyện trong tầm tay mà ta còn lúng túng trong thực hiện, thì việc làm những chuyện lớn lao chỉ là giấc mơ.
Với những lời hứa có cánh, chúng ta có thể phỉnh được những người non dạ. Nhưng với những người có trí, nếu muốn khẳng định, chúng ta không phải chỉ có nói hay, mà phải làm, làm đúng, thậm chí phải làm đúng với số lần lặp lại là khá lớn.
Ước mơ đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu muốn là hiện thực, buộc ta phải trả lời cho một câu hỏi gián tiếp: chúng ta muốn làm trò, làm bạn với những kẻ trí hay chúng ta tự hào vì là thầy của những kẻ dại? Chìa khoá của bài toán chính là giáo dục!
Theo DanTri
CÁC TIN KHÁC
|