Nhiều cha mẹ có trình độ cao cũng chưa chắc dạy con học được - Ảnh: Thanh Niên
|
Dạy con học, giỏi lắm đến lớp 6 là cùng!
Suốt buổi tối, anh N.N.S (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cứ loay hoay nghĩ kế để nói như thế nào với cậu con trai học lớp sáu khi không giải được bài toán tính bội số theo cách của con học ở lớp mà không bị “quê”.
Anh S. cho hay: “Đọc xong yêu cầu của bài toán mà toát mồ hôi. Cuối cùng phải dùng chiêu động viên: ba làm cho con cũng được nhưng con cứ mạnh dạn làm, sai cô giáo sửa sẽ càng nhớ lâu”.
Còn anh T.V, phụ huynh học sinh trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) thú nhận: “Mới chỉ vào đầu năm lớp bảy, tôi đã chịu thua, không thể giải mấy bài toán và lý của cháu. Chương trình học bây giờ khó thật. Ngày nào về nhà, cháu cũng phải làm rất nhiều bài tập các môn”.
Tuy nhiên, ngay đối với chương trình tiểu học, nhiều bậc cha mẹ cũng phải “chào thua”. Chị N.T.T, phụ huynh trường Tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (quận 5, TPHCM) lo lắng: “Hồi cháu học lớp một và hai, tôi còn dạy và hướng dẫn làm bài tập được. Năm nay, cháu học lớp ba mà có một số bài toán mẹo tôi không thể giải được. Hồi tôi đi học tiểu học, chỉ học đơn giản cộng trừ nhân chia thôi chứ không có nhiều dạng toán như hiện nay”.
Một học sinh của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, sau khi được mẹ hướng dẫn phân tích yêu cầu của bài Địa lý có nội dung Cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển, bị điểm bốn, đã về than thở: “Mẹ hướng dẫn con sai, phải phân tích lồng ghép cơ hội và thách thức”.
Khi trao đổi, phụ huynh của học sinh cho biết: “Trong đề bài, có chỉ rõ điểm nào là cơ hội, điểm nào là thách thức và yêu cầu học sinh chọn một điểm để phân tích nên tôi hướng dẫn cháu chọn điểm thách thức. Còn nếu như phải phân tích cả cơ hội toàn cầu hóa thì nội dung bài tập phải nêu rõ yêu cầu chứ”.
Hầu hết những phụ huynh chúng tôi tiếp xúc (có cả thạc sĩ và cử nhân) đều thừa nhận, nếu không “học cùng con” ngay từ đầu thì giỏi lắm dạy được con học đến lớp sáu là cùng!
Lớp một cũng khó
Chị Lanh - có con học lớp một kể: “Hôm trước, con mình làm bài kiểm tra môn toán. Bé làm được chín điểm, chỉ sai một câu. Số 10 bao gồm: a) 3 và 5; b) 4 và 6; c) 1 và 0; d) 2 và 7. Bé chọn câu c) 1 và 0, nhưng đáp án đúng mà cô giáo khoanh tròn là b) 4 và 6”.
Chị Lanh cho rằng, đáp án bài toán này rất tối nghĩa vì 10 bao gồm số 1 và số 0 hợp lý hơn. Trong khi đó, nếu sử dụng đáp án của cô giáo thì câu hỏi phải là “10 là tổng số của...”.
Mang bài toán này đến hỏi một cô giáo dạy lớp một, chúng tôi được biết: “Ở trường, các con được dạy số 10 bao gồm 4 và 6 chứ không phải 10 bao gồm 1 và 0”.
Ngoài môn Toán, các môn học khác cũng tốn kém không ít thời gian để nghiên cứu. Như môn tiếng Việt, chị Thảo - có con học lớp một trường Tiểu học Lý Nhơn, quận 4, TPHCM, kể: “Lúc con tôi chưa vào lớp 1, tôi dạy con đánh vần theo kiểu a, bê, xê. Loay hoay cả tháng trời dạy con tập đánh vần, tập làm toán vậy mà đến khi vào học, con tôi về nhà nói rằng, cô giáo dạy khác mẹ, phải đánh vần là a, bờ, cờ...”.
Học thêm: Giải pháp an toàn?
Chị Nữ, phụ huynh học sinh ở quận 1, TPHCM chọn giải pháp: “Hãy học cùng con”. Chị lý giải: “Việc học cùng con vô cùng có lợi vì không chỉ giúp con học được bài mà còn tạo cho con được sự tin tưởng để tạo thói quen sau này các cháu có khúc mắc gì sẽ tìm đến mình đầu tiên”.
Nhưng đối với những cha mẹ không sắp xếp được thời gian hoặc không kiên trì theo kiểu “con học lớp một, mẹ cũng học lớp một” thì chọn gia sư cho con hay giải pháp an toàn nhất là cho con đi... học thêm.
Với chương trình giáo dục như hiện nay, chắc chắn một điều rằng, không phải cha mẹ nào tốt nghiệp đại học hay trên đại học đều có thể dạy con học được. Và khi cha mẹ không thể hướng dẫn làm bài cho con em mình và không muốn các cháu bị điểm số thấp, ngày càng học thụt lùi, thì chẳng còn cách nào khác là phải cho con em đi học thêm để thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn.
Theo TienPhong
CÁC TIN KHÁC
|