IP:3.144.15.34

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Sự tương đồng và sự khác biệt!
05/10/2009 08:30 AM

Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không vội vàng tìm cách này cách khác để con được vào lớp một ngay, họ sẵn sàng tiếp nhận một năm “dự bị” cho con cái mình. Cũng như không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con mình vào lớp đặc biệt.

Dư luận xã hội đang bức xức với những điều bất cập trong nền giáo dục, ngay cả từ lớp học đầu đời mà nhiều người gọi đùa là lớp “đại học chữ to”.

Vì vậy, nhân vật đặc biệt đầu tiên tôi muốn gặp, khi đặt chân lên nước Đức, chính là đứa cháu ruột sáu tuổi của tôi. Ngoài lý do hơn hai năm nay chưa gặp mặt cháu, còn vì cháu vừa được nhận thẳng vào lớp 1, trở thành chàng “sinh viên” mới toe của “đại học chữ to” xứ người.

Cháu được tôi chọn làm một “nhân chứng, vật chứng” để có thể khai thác, khám phá về sự tương đồng và khác biệt của một hiện tượng GD giữa hai đất nước, nước ta và nước công nghiệp phát triển nhất Âu châu.

Tương đồng và khác biệt 

Sự tương đồng lớn nhất chính là lòng thương con vô bờ bến, sự chăm lo đầy đức hy sinh và niềm tin lớn lao đặt vào thiên thần bé nhỏ của mình của những ông bố bà mẹ ở hai nước, ở cả mọi nơi trên trái đất này. Điều này tồn tại biết bao đời nay, như là một thuộc tính, một phẩm chất cao đẹp của con người, tưởng không có gì phải nói nhiều nữa.

Song sự khác biệt chính lại ở cái cách thức thể hiện, thực thi và hiệu quả lòng thương ấy. Ở nước ta, tháng chín này, bên cạnh không khí sôi động ngày tựu trường, người ta nói nhiều về những điều không vui, những “nỗi khổ” của các ông bố, bà mẹ trẻ và đứa con còn quá non thơ trong những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.

Báo chí viết về tình trạng ấy với nhiều ngôn từ, khía cạnh khác nhau: “Chen chúc luyện chữ vào lớp 1”. “Chấm dứt việc dạy trước chương trình lớp 1”. “Sốt vào lớp 1”. “Hành trình con tôi vào lớp 1”… Hoặc: “Chương trình lớp 1 quá nặng”. “Căng thẳng đại học lớp 1”. “Trẻ sốc ngày đầu vào lớp 1” v.v…

Chắc hẳn không phải thầy cô nào, bố mẹ nào cũng đồng tình làm khổ con cái như vậy. Nhưng hiện tượng tương tự, có thể ở mức độ khác nhau, vẫn đang tồn tại không ít ở nhiều gia đình, nhiều trường học nước ta hiện nay.

Hiện tượng đó diễn ra thế nào với đứa cháu của tôi, với những con trẻ lớp 1 ở xứ người?

Còn nhớ dạo nào, khi nghe nói chuẩn bị đi học, cháu mặc cả: "Nếu không thích là Kim không đi đâu nhé. Kim sẽ khóc đấy". Cả nhà lo lo...

Nhưng ngày tựu trường đông vui như ngày hội. Trường tiểu học Friedrich Elbert Schule, nơi cháu tôi học, nằm ở một thành phố miền tây nam nước Đức. Ở xứ này, lễ tựu trường chỉ xảy ra trong đời học sinh mỗi một lần khi bước vào lớp 1. Được xem là ngày quan trọng nhất trong đời đi học, nên đưa con đến trường thường không chỉ có các bố mẹ mà còn anh chị, ông bà và những khách mời thân thiết khác. Tôi không biết trong ngày đầu tiên cháu học như thế nào, chỉ biết, ngay khi được mẹ đón về, cu cậu đã hỏi: "Mẹ ơi, ngày mai Kim đi học nữa nhé!"

Tìm hiểu, được biết, lớp có một cô giáo chính, cô Heinz Capramo sẽ đồng hành cùng với học sinh mình suốt cấp tiểu học 4 năm. Ngoài ra còn có các cô giáo, thầy giáo dạy hát và ngoại ngữ Anh văn, dạy thể dục.

Ở lớp, cháu được khởi đầu học chữ, học con số, được tô màu… Đặc biệt các cháu không bị ép phải cầm bút tay phải, viết chữ đứng hay xiên. Được chỉ bảo và thực hành cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô, với người lớn, bạn bè, được rèn luyện lòng tự tin và tác phong dạn dĩ, tập dượt phát biểu, thảo luận, phản biện trước đám đông.

 

Ảnh minh họa

Đối với các cháu, học như chơi và chơi như học. Ngoài 5 tiết học, dù ở lại bán trú hay về nhà, cháu chỉ làm bài tập ôn luyện trong vòng 30 phút đến một giờ. Thời gian còn lại chỉ để chơi đùa hoặc học đàn hát, bơi lội…

Ở Đức không có lớp vỡ lòng, nhưng một năm trước khi vào lớp một rất hệ trọng với trẻ em. Các cháu được nhà trường, nơi cháu nộp đơn xin học, kiểm tra toàn diện bằng một buổi phỏng vấn với sự hiện diện của vị hiệu trưởng cùng một thầy giáo hoặc cô giáo. Kiểm tra trí tuệ và khả năng nhận thức, khả năng nghe, nói và trình độ tiếng Đức, kiểm tra tình trạng sức khỏe toàn diện.

Qua kỳ kiểm tra này, các khiếm khuyết của trẻ sẽ được phát hiện và được rèn luyện, “bổ túc” trong một năm theo nội dung chương trình và hệ thống tổ chức của Bộ Giáo dục Đức. Sau một năm, em nào hội tụ được các chứng nhận cần thiết sẽ được gọi vào học. Các học sinh sớm bộc lộ tư chất và năng lực, nói cách khác là chỉ tiêu IQ cao, sẽ được xếp vào một lớp đặc biệt.

Các học sinh còn lại sẽ được lưu lại bồi bổ thêm một năm nữa. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không vội vàng tìm cách này cách khác để con được vào lớp một ngay, họ sẵn sàng tiếp nhận một năm “dự bị” cho con cái mình. Cũng như không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con mình vào lớp đặc biệt. Cháu tôi, Nguyễn Hữu Kim, cũng nằm trong trường hợp này, vì bố mẹ cháu không muốn con mình chịu áp lực học hành quá sớm.

 Mới đây, cả nhà tôi được dịp ngỡ ngàng. Đang trong nhà, thấy chuông kêu inh ỏi. Hóa ra, lớp của cu Kim được cô giáo dẫn đi dạo, như một bài học "địa lý" vỡ lòng, quanh những khu vực dân cư gần trường. Tình cờ qua nhà, cu cậu bèn gọi ông bà, và giới thiệu luôn cho cô giáo cùng các bạn: Ông đây, bà đây...

Giờ, niềm hạnh phúc của cu Kim là hàng ngày đến trường.

Những gì diễn ra ở Trường Friedrich Elbert Schule, chắc hẳn không phải là trường hợp cá lẻ, ngoại lệ. Gần đây, trong một bài viết tiêu đề “Học lớp 1…kiểu Đức”, tác giả Trần Đình Ngân cũng đã nêu lên trường hợp tương tự, ở một trường tiểu học Berlin, với cô giáo R. Lipka, và con mình- cháu Phương Hiền.

Chưa có dẫn chứng gì để nghi ngờ tính phổ biến của sự lành mạnh nêu trên trong phần lớn các trường tiểu học của CHLB Đức. Mặc dù nền giáo dục nước Đức gần đây vẫn chưa được xếp vào loại tiên tiến nhất trên thế giới.

Và càng không thể nào bác bỏ tính phổ biến của những bức xúc, bất cập đã được báo chí dồn dập lên tiếng đối với các lớp đầu cấp ở các trường tiểu học nước ta.

Nhanh chóng gạt bỏ rào cản

 Rõ ràng, có sự khác nhau về quan niệm giáo dục giữa các quốc gia trong quy trình chuẩn bị đưa trẻ em vào lớp học đầu tiên của bậc phổ thông (một bên hành trang cần thiết để tiếp thụ nội dung giảng dạy ở nhà trường, một bên trang bị trước các kiến thức sẽ được dạy ở lớp 1). Sự khác nhau trong nội dung và phương pháp giảng dạy ở nhà trường (có thể một phần trong nhận thức và tư duy giáo dục, nhưng chủ yếu ở trình độ và năng lực thực thi). Và khác nhau cả về tâm lý, xu hướng học thêm dạy thêm nặng nề trong gia đình và xã hội.

Đó không chỉ là sự khác nhau của giáo dục Việt Nam với CHLB Đức mà với nhiều nước phát triển trên thế giới.

Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Cần tìm xem trong bản thân nền giáo dục. Khách quan mà nói, ngành giáo dục nước ta cũng đã nhìn thấy thực trạng này và đã bắt đầu có những điều chỉnh uốn nắn. Vì thế, trong văn bản hướng dẫn năm học, ngày 21/8/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra yêu cầu: “Không tổ chức dạy học trước và thi tuyển vào lớp 1”, tiếp theo nhiều lệnh cấm “dạy thêm học thêm” trước đây.

Nhưng có lẽ việc định hướng và khuyên răn của ngành chưa đủ uy, chưa được các nhà trường, thầy giáo, cô giáo thực thi một cách thực chất. Và đặc biệt lại quá muộn màng. Vì muộn, nên quán tính “dạy thêm học thêm” quá lớn. Nên quá khó để ngăn chặn những hệ lụy gây ra trong xã hội, ngay cả với thế hệ non thơ nhất vừa mới cắp sách đến trường.

Một nguyên nhân khác nằm trong tâm lý xã hội luôn chạy theo hư danh, bắt nguồn từ việc sử dụng, đãi ngộ qua bằng cấp khá nặng nề. Không chỉ “người lớn” chạy theo các danh vị tiến sĩ, giáo sư bằng bất cứ giá nào, kiểu nào mà nhiều thanh niên cũng noi theo các gương đó, bằng cách “học ảo”, học đối phó, lên lớp hoặc điểm danh chỉ cốt lấy điểm, lấy bằng. Đến lượt con trẻ lớp 1, lớp 2 cũng lại là nạn nhân của căn bệnh trầm kha này.

Quán tính thiếu lành mạnh trong hệ thống giáo dục là một rào cản lớn cho sự phát triển. Xã hội và đất nước ta sẽ không thể tiến lên sánh vai với các quốc gia tiên tiến nếu không gạt bỏ được rào cản này. 

Theo TuanVietNam




CÁC TIN KHÁC

• Bằng cấp và năng lực (01/10/2009)
• Tân cử nhân: Những cú shock nơi công sở (30/09/2009)
• Giáo dục kỹ năng sống: Cần một giáo trình căn bản (29/09/2009)
• "Trồng người" ở Úc: Trẻ em tự quyết (28/09/2009)
• Rút kế hoạch đào tạo tiến sĩ (26/09/2009)
• Điểm kém không có nghĩa là 'dốt' (25/09/2009)
• Nhầm lẫn đến duy ý chí (23/09/2009)
• Cần tiến sĩ "lòng tin của nhân dân" (22/09/2009)
• Khái niệm "tiến sĩ" đã bị hiểu sai (21/09/2009)
• 'Điều thần kỳ' trong cải cách giáo dục ở Bulgaria (19/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd