IP:13.58.103.70

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Chạy… để được làm thầy
07/10/2009 07:13 AM

Nếu chúng ta không xóa bỏ được cái việc ăn tiền trắng trợn và “phi sư phạm” trong việc nhận giáo viên mới và chuyển đổi giáo viên từ trường này sang trường kia thì “cỗ xe GD” vẫn tiếp tục xuống dốc.

Tôi theo dõi những cuộc trao đổi, tranh luận, hiến kế cho ngành giáo dục trong vòng 20 năm nay. Có rất nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng, nhưng cho tới tận năm 2009 này, GD nước ta vẫn trong tình trạng bí bét.

Tại cả đôi bên…

Tại sao vậy? Theo tôi, tại vì chúng ta vẫn né tránh, vẫn chưa đủ dũng cảm để nói ra có một nguyên nhân đích thực làm cho ngành GD sa sút, xuống cấp về nhiều phương diện. Về yếu kém của ngành GD, mọi người đã chỉ ra các nguyên nhân. Đại đa số các nguyên nhân đều có lý, nhưng chúng ta hay nhắc đến những nguyên nhân “sạch sẽ và sang trọng như”: bệnh thành tích hay chương trình quá nặng, quá tải đối với học sinh…

Còn có một nguyên nhân nữa mà theo tôi, là việc còn có những người có chức, có quyền ăn tiền trong việc nhận giáo viên mới và chuyển đổi giáo viên từ vùng này qua vùng khác.

Trao đổi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp tôi thấy rằng, việc xấu xa này đã diễn ra trong nhiều năm, ở hầu hết các vùng miền của đất nước.

Sẽ có người thắc mắc là một việc xấu diễn ra lâu và rộng như vậy, sao không được phanh phui và triệt phá?

Bởi vì theo tôi, những người chọn nghề giáo viên vốn hiền lành, không ưa rắc rối. Hơn nữa, chính họ cũng có lỗi trong chuyện này, vì họ là người đưa hối lộ.

Trong khi đó, những kẻ ăn tiền rất khôn ngoan, nhiều mẹo mực. Họ lại đang nắm trong tay sinh mạng của những người đút lót để được nhận vào làm việc dưới quyền. Do vậy, không ai muốn làm lộ. 

Nếu không xóa bỏ được cái việc ăn tiền trắng trợn
thì “cỗ xe GD” vẫn tiếp tục xuống dốc.

Còn nếu nói bóng, nói gió đến tai những kẻ ăn tiền thì họ có thể bóng gió lại thế này: “Tôi có đến nhà người ta bắt họ đưa tiền đâu?! Họ tự đưa đến đấy chứ. Mà họ không đưa cho tôi, họ đưa cho vợ tôi” (Lời một trưởng phòng giáo dục huyện).

Nhưng vừa rồi, tôi biết cháu của một người bạn đã phải mất không 40 triệu đồng cho “phi vụ” xin đi dạy học này. Cô gái đó thông minh, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội thì về quê xin việc. Sau khi tìm hiểu, móc nối, nhờ vả thì chốt lại thế này: Vì hồ sơ tốt và có người quen nên chỉ phải chi 40 triệu đồng (các trường hợp khác thường là 50 triệu đồng). Dù không có tiền, nhưng muốn đi dạy nên cô gái đó đi vay nợ lãi số tiền đó.

Được đi dạy nhưng coi như đi làm công không, vì với số tiền lương hơn 1 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ trả lãi cho món tiền nợ. Cô ta chỉ dạy được 1 năm rồi bỏ vào Vinh xin làm ở một khách sạn để có tiền để sống và trả dần số nợ xin đi dạy học. Có lẽ không còn ở trong vòng cương tỏa của những người đã ăn tiền của mình nên cô mới kể rõ ràng như vậy. 

“Cỗ xe giáo dục” sẽ ra sao?

Cũng có ý kiến cho rằng, việc phải chi tiền để xin việc diễn ra ở mọi ngành nghề chứ riêng gì nghề giáo viên?

Đúng vậy, nhưng việc ăn tiền để nhận vào làm việc ở các ngành nghề khác không gây tác hại lớn như nghề dạy học. Ví dụ, xin vào ngành tài chính, ngân hàng, dầu khí, hàng không; thậm chí là y tế, tòa án… thì có thu nhập cao hơn, quá trình “hoàn vốn” nhanh hơn nên người ta dễ dàng chấp nhận. Hơn nữa, việc nhìn nhận chuyện ăn tiền ở đây cũng không nặng nề như ở môi trường sư phạm.

Giáo viên là “nghề cao quý”, ở đây người ta trân trọng đạo đức, nhân cách, tình thương, trách nhiệm… Ấy vậy mà muốn được đứng trên bục giảng, lại phải đút lót cả một đống tiền; những người thường đăng đàn diễn thuyết về cái hay, cái đẹp, cái cao cả của nghề dạy học thản nhiên ra giá cho việc nhận giáo viên mới.

“Tắm mình” trong không khí bặm trợn và giả dối như vậy, lòng dạ nào mà mang hết tri thức và nhiệt tình ra để dạy học sinh?!

Tôi chờ đợi những người có trách nhiệm nói công khai chuyện này. Tuần trước thấy Giáo sư, Tiến sỹ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đề cập tới vấn đề này trên báo điện tử Vietnamnet. Nhưng rất tiếc là ông chỉ nói về chuyện ông không nhận tiền chứ không phải chuyện những người khác nhận tiền và tác hại của việc này ra sao.

Tác hại của việc ăn tiền trong việc nhận giáo viên mới và điều chuyển giáo viên từ vùng này qua vùng khác là vô cùng lớn.

Thứ nhất: Nó làm tha hóa một bộ phận cán bộ lãnh đạo (vì việc ăn tiền này phải có cả dây, một người không ăn được!), trong đó có những lãnh đạo chủ chốt trong ngành GD ở địa phương (trưởng phòng giáo dục huyện, hiệu trưởng các trường…). Nhưng có lẽ hiệu trưởng ít được hưởng.

Một người bạn học phổ thông với tôi, có hơn chục năm làm hiệu trưởng, một người bạn cật ruột nhờ nhận đứa em chuyển từ trường khác về. Cô nhận lời nhưng mấy hôm sau đến nói: “Xin lỗi vì không giúp được bạn. Tôi đã cố gắng, thậm chí đã nói thẳng với lãnh đạo thế này: “Em làm hiệu trưởng hơn chục năm, nhận người chủ yếu theo ý các anh, nay các anh cho em tự ý nhận một trường hợp!”. Họ nói thế này: “Không được! Trường của cô là trường tốt, có mấy suất thì dự định để làm “đối ngoại” cả rồi. Đưa em của bạn cô về trường khác!”.

Thứ hai: Nó giết chết những tia sáng lung linh trong cánh trẻ khi bước vào thực hiện nhiệm vụ “kỹ sư tâm hồn”. Vì phải chạy vạy và mất một số tiền lớn mới được đi dạy, ngoài mặt thì họ có vẻ vui, cảm ơn người nọ, người kia, nhưng trong thâm tâm họ ghét, và phải nói là…coi thường, dù họ có lỗi. Với tâm thế như vậy, làm sao mà dạy tốt được?! Hơn nữa, đa số người theo ngành sư phạm hiện nay là con nhà nghèo, nên họ phải tìm cách kiếm tiền để trả nợ. Vậy là diễn ra cảnh dạy thêm, học thêm; mua điểm, bán điểm…

Thứ ba: Nó làm cho đội ngũ giáo viên ngày càng yếu kém. Bố của cậu bé có bài văn “con mèo là người bạn sống mãi trong lòng” bị điểm 4 là một người rất cầu thị. Sau khi con trai bị điểm 4, anh muốn gặp và trao đổi với giáo viên dạy văn. Nhưng cô giáo chủ nhiệm nói thẳng với anh: “Anh gặp cũng chẳng giải quyết vấn đề gì đâu, nhận thức của cô giáo này rất hạn chế”.

Có hiện tượng một số học sinh không giỏi, thậm chí là kém của một số tỉnh miền bắc và miền trung tràn vào các tỉnh phía nam học cao đẳng sư phạm. Khi tôi “chất vấn” mấy người ở quê: “Con cái các anh học lực khiêm tốn, kiếm nghề khác cho chúng làm, bắt nó làm giáo viên làm gì?”. Họ trả lời: “Nói thật với anh là chúng tôi không hy vọng cháu nó trở thành giáo viên giỏi, chỉ hy vọng nó có nghề dạy học, dễ lấy chồng. Mất dăm chục triệu để xin việc, coi như là có tý của hồi môn cho con”.

Tôi không dám phủ nhận một số giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề hiện đang nỗ lực dạy học bằng lương tâm và nhân cách tử tế. Nhưng nếu chúng ta không xóa bỏ được cái việc ăn tiền trắng trợn và “phi sư phạm” trong việc nhận giáo viên mới và chuyển đổi giáo viên từ trường này sang trường kia thì “cỗ xe GD” vẫn tiếp tục xuống dốc. 

Theo TuanVietNam




CÁC TIN KHÁC

• Người lớn cũng cần học kỹ năng sống? (06/10/2009)
• Khổ như… học sinh lớp 1! (05/10/2009)
• Sự tương đồng và sự khác biệt! (05/10/2009)
• Bằng cấp và năng lực (01/10/2009)
• Tân cử nhân: Những cú shock nơi công sở (30/09/2009)
• Giáo dục kỹ năng sống: Cần một giáo trình căn bản (29/09/2009)
• "Trồng người" ở Úc: Trẻ em tự quyết (28/09/2009)
• Rút kế hoạch đào tạo tiến sĩ (26/09/2009)
• Điểm kém không có nghĩa là 'dốt' (25/09/2009)
• Nhầm lẫn đến duy ý chí (23/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd