IP:18.117.119.34

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Tội ác bắt đầu từ đâu?
02/11/2009 08:37 AM

Ba thiếu niên ở Khương Đình, Hà Nội dùng dao chọc tiết lợn đâm chết một thanh niên gầy gò không quen biết ngay trên đường chỉ vì một cái nhìn “đểu.” Cậu bé lớp 5 ở Đầm Dơi, Cà Mau dùng gạch đập đầu giết chết bạn học để lấy chiếc nhẫn trị giá 100.000 đồng.

Mấy thanh niên ở Đà Nẵng kéo hai người bạn ra biển, cho đọc kinh cầu nguyện rồi giết bằng dao, lau vân tay bằng axit loãng, vứt xác xuống biển chỉ vì tranh cãi chuyện trả tiền karaoke...



Nạn bạo hành trong học đường ngày càng gia tăng - Ảnh Internet

Vì sao các thanh thiếu niên này có thể làm được những hành động khủng khiếp đến thế? Những tội ác này đến từ đâu?

Những giá trị hình thành từ tuổi nhỏ

Theo cuốn Giới thiệu về đạo đức thông qua các câu chuyện kể của Nina Rosenstand, các nhà tâm lý học cho rằng ngay từ tuổi lên 7, các em bé bắt đầu phát triển suy nghĩ về các giá trị đạo đức để có thể trở thành một người lớn có lương tâm. Đến cấp I, đứa trẻ đã phải được trang bị một “trung tâm đạo đức” với những suy nghĩ và quy tắc đạo đức ban đầu, như hiểu và chia sẻ được cảm giác đau đớn và sung sướng của người khác, rằng con người không nên làm hại lẫn nhau. Nếu không, khi lớn hơn, đứa trẻ sẽ khó có thể thật sự học và tuân theo những giá trị này.

Gia đình, nhà trường, môi trường văn hóa xã hội là nơi khởi nguồn tính cách và giá trị của trẻ. Nhưng bây giờ cha mẹ bận rộn và xa cách hơn. Trọng trách xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội được đặt nặng trên vai nhà trường. Thế nhưng phần dạy đạo đức lại chưa được quan tâm đúng mức và chưa đủ hấp dẫn, thuyết phục. Sự thiếu nhiệt tình và nỗi lo cuộc sống của không ít thầy cô giáo khiến họ không còn là tấm gương để học sinh cảm phục và noi theo nữa.

Nhiều gia đình Việt Nam hiện nay cho phép trẻ em được xem truyền hình cùng người lớn. Các em được tha hồ đọc truyện kinh dị, bạo lực, chơi game bắn giết, xem phim ảnh hành động bạo lực.

Từng đối phó thực tế này, sau 30 năm nghiên cứu, bốn hiệp hội bảo vệ sức khỏe và tâm lý quốc gia lớn nhất của Mỹ gồm Hội Y tế Mỹ, Học viện Nhi khoa, Hiệp hội Tâm lý và Học viện Trẻ em và vị thành niên tuyên bố: “Xem phim ảnh, chơi game bạo lực lâu ngày có thể dẫn đến việc lãnh đạm với bạo lực ngoài đời thật, thậm chí chấp nhận chúng. Những ảnh hưởng này rất rõ rệt và tồn tại rất lâu trong tâm lý các em”.

Giặm nền đạo đức

Chính phủ Mỹ buộc các nhà sản xuất phải cài V-chip lên tất cả tivi bán ra để các bậc phụ huynh có thể loại bỏ các chương trình không phù hợp cho trẻ em. Canada đưa quy định về đạo đức thành điều kiện bắt buộc khi cấp giấy phép cho các hãng truyền hình. Tuy nhiên, V-chip không ngăn được trẻ em lén xem các chương trình chúng muốn khi bố mẹ vắng nhà.

Chỉ còn một cách được các chuyên gia tán thành nhiều nhất là giáo dục trẻ em ở nhà và ở trường học để các em có suy nghĩ tỉnh táo, trưởng thành trước các hình ảnh và thông tin mà các em nhận được từ phim ảnh, game, sách báo và Internet. Các em có thể phân tích và nhận thức một cách lành mạnh được sự khác biệt giữa việc các em thích các màn bạo lực trên màn ảnh và không thích bạo lực trong đời thật.

Thay vì nhồi nhét, ép buộc những giáo lý khiên cưỡng, nhà trường Mỹ chủ trương dạy về bản chất của sự việc cho học sinh nên một khi học sinh tiếp thu được thì hiểu rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề. Các giáo trình giảng dạy đạo đức cũng thay đổi liên tục để cập nhật với tình hình thay đổi của xã hội và văn hóa.

Sau bất kỳ một vụ án nào có sự tham gia của thiếu niên - chẳng hạn những vụ thảm sát học đường - lập tức có những chương trình được thiết kế riêng cho học sinh giảng giải về tác hại cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhằm giúp họ tránh xa những mối nguy cơ tiềm tàng.

Chỉ có xây dựng cho lớp trẻ một nền tảng đạo đức vững chắc, làm sao để các em phân biệt được cái tốt cái xấu, mới tránh được những thế hệ bệnh hoạn, tàn bạo và mất phương hướng.

Theo TuoiTre




CÁC TIN KHÁC

• Các em giỏi quá! (31/10/2009)
• Chuyện “lạ” của ngành giáo dục (30/10/2009)
• Tân sinh viên, những thay đổi sau cánh cửa đại học (29/10/2009)
• Học sinh giỏi cũng… khổ (28/10/2009)
• Nền giáo dục Thụy Điển tiên tiến nhất thế giới hiện nay? (27/10/2009)
• Trẻ biết cãi mới... ngoan? (26/10/2009)
• Khó đòi hỏi đủ chuẩn mới đào tạo(!?) (24/10/2009)
• Trường khen 'heo' béo, lớp khen bé ngoan! (23/10/2009)
• ĐH kém chất lượng: Con hư tại mẹ! (22/10/2009)
• Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH (21/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd