IP:3.138.179.120

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Từ bài văn tả cây hồng...
11/12/2009 08:08 AM

Chính vì cái "Công nghệ đào tạo chuẩn" với các cách học tủ, học mẫu nên chúng ta có quá nhiều sinh viên đại học bị hổng kiến thức cơ bản;

 Tôi có chị bạn, hồi học phổ thông từng được giải học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền bắc. Một lần thấy cậu con trai học lớp 4 đánh vật với đầu bài "Tả cây hồng trong vườn nhà em", chị dẫn cháu ra mảnh sân nhỏ trước nhà có khóm hoa hồng, cùng cháu quan sát. Hai mẹ con làm được một bài văn dài hơn hai trang giấy học trò - mà chị tự đánh giá là hay, ít ra cũng được điểm 8.


Nguồn Internet

Khi chị đang phấn khởi thì cậu con kêu lên: "Mẹ ơi, thiếu rồi, thiếu ong, bướm đến hút mật, vờn hoa". Chị ngạc nhiên: "Nhưng mẹ con mình có thấy con ong hay bướm nào đến cây hồng nhà mình đâu?". "Cô giáo bảo nhất định phải tả ong, bướm thì mới đủ ý". Chị ra sức giải thích cho con rằng đấy chỉ là một chi tiết không nhất thiết phải có, rằng cái chính là phải biết tả cây hồng với những quan sát và tình cảm của riêng mình... Càng nói chị càng bực mình và đôi chút tự ái - chả lẽ một cựu học sinh giỏi văn suốt những năm phổ thông - lại không biết làm bài văn tả cây hồng? Chú bé đành nghe lời mẹ với đôi chút lo lắng. Quả nhiên, nỗi lo lắng ấy là có lý: vài hôm sau, chú phụng phịu đưa cho mẹ bài văn với lời phê "8-2 = 6 vì thiếu ong bướm". Từ đó chú kiên quyết không chịu nghe mẹ nữa mà chỉ chăm chăm theo đúng dàn bài chi tiết với lý do "Các bạn con làm bài theo dàn bài của cô đều được 8 và 9 cả".

Vừa rồi gặp nhau, chị kể: Thằng cu (bây giờ đã sinh viên ĐH năm thứ hai)thi môn lịch sử Đảng, tham khảo sách của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và bị thi lại (điểm 4/10). Không tin bài làm của mình kém đến như vậy, cu cậu đi hỏi tụi bạn được điểm 7, 8 mới té ngửa ra là các bạn toàn chép nguyên bài giảng của thầy cô trên lớp". Cu cậu nhớ lại bài văn tả cây hồng hồi nhỏ và "rút kinh nghiệm": "Khi làm bài thi chớ có "dại" mà tham khảo sách nọ sách kia làm gì". Đúng là chuyện cười... buồn.

Kể câu chuyện "cây hồng", tôi muốn nói rằng không phải học sinh không có ý thức tự học. Thế nhưng không chỉ ở các cấp học phổ thông mà cả ở cấp ĐH, nhiều thầy cô giáo đã làm thui chột tư duy độc lập suy nghĩ của học sinh bằng cách đọc thuộc lòng giáo trình khi lên lớp, và cũng chỉ yêu cầu học sinh, sinh viên học như giáo trình.

Đến một số thư viện chuyên ngành của các trường đại học ở Hà Nội, tôi nhận thấy, hầu hết đều được trang bị đầy đủ sách giao khoa, sách chuyên khảo, kỷ yếu báo cáo tại các hội nghị khoa học bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp; thích nhất là có cả những số tạp chí khoa học mới nhất. Chả bù cho hồi đầu những năm 70, lứa sinh viên đại học chúng tôi chỉ có trong tay một vài đầu tạp chí mà cũng đến chậm cả năm và lại không trọn bộ. Hồi ấy, khi chúng tôi vào học kỳ II năm thứ ba, các thầy đã dẫn vào thư viện, tận tình hướng dẫn cách tra cứu sách tham khảo và khuyến khích đọc thêm các tài liệu ngoài chương trình. Còn bây giờ, nhân viên thư viện nói, các tài liệu tiếng nước ngoài hiếm khi được sinh viên sờ đến, sinh viên đến thư viện chỉ để đọc luận án tốt nghiệp của các năm trước. Một sinh viên trường đại học thuộc khối kinh tế, kể: các thầy ở trường bận lắm, tham gia nhiều đề tài, dự án nên đi suốt, chẳng có thời giờ xem xét sinh viên làm gì, và cũng chẳng nhớ đã có những đề tài nào được bảo vệ, vì vậy có chép luận văn của các năm trước thầy cũng chẳng biết, tội gì mà phải mất công tìm tài liệu cho mệt óc.

Thêm vào đó, các bậc phụ huynh cũng vô tình phối hợp với các nhà sư phạm "giết chết" khả năng tự học của con em bằng cách ngay từ lớp 1 đã nhét các em vào lớp học thêm. Tất cả các bài toán, bài văn... đều được quy về bài mẫu, chỉ cần thuộc và quen dạng là giải được, chẳng cần suy nghĩ nhiều mà cũng chẳng lấy đâu thì giờ để suy nghĩ khi suốt từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều các em phải ngồi trong lớp học các bài mẫu đó.

Có vẻ như thói quen làm theo bài mẫu (do các thầy cô giáo đề xuất và được cha mẹ trợ giúp đắc lực) đã giúp xã hội hình thành một "Mẫu công nghệ đào tạo chuẩn" trong đó học thêm là thành phần chính. Mẫu này được chấp nhận đến mức có vẻ như tất cả các bậc phụ huynh đều tin rằng cứ việc nhét một cô bé hay cậu bé ba tuổi vào đầu này ắt là sau 20 năm sẽ có được một con người hoàn hảo ở đầu kia.

Chính vì cái "Công nghệ đào tạo chuẩn" với các cách học tủ, học mẫu nên chúng ta có quá nhiều sinh viên đại học bị hổng kiến thức cơ bản; mới có chuyện các công ty nước ngoài dù rất muốn tuyển người bản địa cũng lắc đầu chán nản trước những ứng viên với vài ba bằng đại học, bằng ngoại ngữ,vi tính nhưng không thể vượt qua được vòng phỏng vấn với những câu hỏi giải quyết tình huống chẳng có gì quá phức tạp nhưng lại không nằm trong các loại "tủ", loại "mẫu" mà họ đã học.

Theo ChungTa




CÁC TIN KHÁC

• 10 bí quyết thành công cho sinh viên kỹ thuật (10/12/2009)
• Sinh viên và những vất vả thời hội nhập (08/12/2009)
• Dạy con học, khó quá! (05/12/2009)
• Học để biết hay học để làm (26/11/2009)
• Khi đoàn kiểm tra đến (21/11/2009)
• Quan hệ thầy trò (20/11/2009)
• Người Việt Nam có thích học trường Việt Nam? (20/11/2009)
• Ăn xin tri thức (19/11/2009)
• Ngày mai, tôi sẽ đi chọn quà cho cô giáo của con (18/11/2009)
• "Cứ học đã, ra trường tính sau" (17/11/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd