IP:3.15.138.214

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Ngày mai, tôi sẽ đi chọn quà cho cô giáo của con
18/11/2009 07:20 AM

Thời gian qua đi, tôi nhận ra rằng, chính những tình cảm chân thật, những món quà tinh thần của tôi đã khiến mối quan hệ thầy trò luôn bền chặt và trong sáng.



Tình cảm chân thành và những món quà tinh thần đã khiến mối
 quan hệ thầy trò luôn trong sáng và bền chặt. Ảnh minh họa

“Sắp 20-11 rồi, mua gì tặng cô giáo của con, anh nhỉ?” Tôi hỏi chồng.

Anh đáp không chút băn khoăn: “Thôi, cứ phong bì em ạ, ai chả thế. Mua quà thì đằng nào chả phải có phong bì hả em?!”

Tôi thì băn khoăn vô cùng, đúng là hầu hết các phụ huynh khác đều biếu cô phong bì. Như hôm 20-10, tôi bận quá, chả kịp mua gì nên cũng chỉ biếu phong bì. Hỏi ra thì các phụ huynh khác cũng vậy, vì cho rằng phong bì vừa gọn nhẹ, lại “có chất lượng”.

Vậy là, tôi và nhiều người khác đang “làm hư” thầy cô. Tôi biết thế. Tôi tin nhiều người cũng biết thế. Nhưng cũng không còn biết cách nào khác, bởi vì tâm lý e ngại, mọi người đều biếu phong bì, lỡ mình không có, liệu con mình có bị thiệt thòi gì không?

Tôi chợt nhớ đến thầy giáo cũ của mình, gần như ngày Nhà giáo nào chúng tôi cũng đến thăm thầy, hoặc gửi lời chúc mừng tới thầy. Đó là người thầy giáo mà tôi nể phục và biết ơn nhất - dù thầy chỉ dạy tôi vỏn vẹn 45 tiết học, trong đó tôi đã nghỉ ốm mất 10 tiết.

Các tiết học của thầy luôn rất sôi nổi và sinh động. Thầy truyền đạt cho sinh viên những kiến thức rất mới mẻ mà thầy tích lũy được khi học tiến sĩ ở nước ngoài.

Rất tình cờ, thầy lại là người hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp. Có lần thầy đã đến tận nơi tôi thực tập hướng dẫn cách phân tích số liệu để đưa vào luận văn. Tôi nhớ mãi, lần đầu tiên đến nhà thầy để nộp bài, tôi cứ phân vân, cứ đi tay không hay mua quà cho thầy. Mấy cô bạn thân gợi ý nên mua chút hoa quả hoặc hộp bánh, kèm theo phong bì để thầy cô “nhiệt tình” hơn.

Nhưng cuối cùng thì tôi chỉ mua một quả dưa. Tôi nghĩ, việc đưa phong bì là thiếu tôn trọng thầy, còn quả dưa không phải quà cáp gì cao sang, chắc chắn thầy sẽ nhận.
Lúc ở nhà thầy về, tôi ngập ngừng: “Em mua hoa quả biếu thầy cô…”. Thầy cười và đưa lại quả dưa cho tôi: “Em vẫn còn là sinh viên, làm gì có tiền mà mua quà cho thầy, lần sau em đừng làm thế, chỉ cần em đầu tư công sức cho luận văn của mình là thầy vui rồi”.

Nhiệt tình và tận tâm với học trò là thế, nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc. Tôi hoàn thành từng phần luận văn, nhưng cũng có một số phần cảm thấy khó quá nên nộp bài chậm, thầy nhắc nhở nghiêm khắc, khiến tôi cũng phải thấy xấu hổ, sau đó quyết tâm cố gắng hơn. Luận văn của tôi đạt 9,8 điểm, trong đó công sức của thầy thật không nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm ở một tờ tuần báo, khi bài viết đầu tiên được đăng, tôi vội gửi ngay báo tặng thầy.
Tuy tôi không làm đúng nghề, nhưng thầy rất vui khi biết học trò của thầy bắt đầu làm quen với một công việc đầy năng động và sáng tạo. Sau đó, tôi thường xuyên gửi báo biếu thầy và tôi biết, đó là món quà mà thầy rất thích. Đến Tết, tôi còn gửi tặng thầy cuốn lịch của tòa soạn mình.

Sau hơn 2 năm làm báo, tôi muốn thử sức mình ở một lĩnh vực khác nên đã chuyển sang làm cho một công ty xuất bản.

Tôi nghĩ ngay đến việc tặng sách cho thầy. Tôi tâm đắc lắm khi chọn được hai cuốn sách của một tác giả nước ngoài cũng làm việc trong lĩnh vực của thầy.

Nhận được quà tặng của tôi, thầy nhắn tin cảm ơn và nói rất cảm động khi tôi luôn nhớ đến thầy.

Những ngày 20-11 đến thăm thầy, có khi tôi mua bó hoa thật đẹp, có khi là một vài cuốn sách…

Thời gian qua đi, công việc và cuộc sống của tôi có biết bao nhiêu thay đổi, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là tình cảm của một người học trò mà tôi dành cho thầy giáo của mình.

Tôi nhận ra rằng, chính những tình cảm chân thật, những món quà tinh thần của mình đã khiến mối quan hệ thầy trò luôn bền chặt và trong sáng.

Tôi chạnh lòng nghĩ, món quà vật chất gọn nhẹ và “chất lượng” như chiếc phong bì sẽ khiến tôi và con gái mình nhanh chóng quên lãng cô giáo của con ngay khi con lên lớp lớn hơn.

Có lẽ, đây là lúc tôi phải nhìn nhận lại và hành động khác. Bởi tôi đang làm gương cho con mình trong ứng xử với thầy cô giáo. Ngày mai, tôi sẽ đi chọn mua quà cho cô giáo của con.

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• "Cứ học đã, ra trường tính sau" (17/11/2009)
• Bộ GD-ĐT sẽ ép dùng nguồn mở (16/11/2009)
• Học trường Tây (12/11/2009)
• Dạy con biết... nghèo (09/11/2009)
• Những sinh viên “vô hình” trên giảng đường (06/11/2009)
• Năm giá trị căn bản cần dạy con (03/11/2009)
• Tội ác bắt đầu từ đâu? (02/11/2009)
• Các em giỏi quá! (31/10/2009)
• Chuyện “lạ” của ngành giáo dục (30/10/2009)
• Tân sinh viên, những thay đổi sau cánh cửa đại học (29/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd