IP:18.221.28.108

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




"Cứ học đã, ra trường tính sau"
17/11/2009 07:20 AM

“Bây giờ em cứ việc học đã. Ra trường rồi tính đến việc làm cũng chưa muộn”, Hồng Vân, sinh viên ĐH Kinh tế đã trả lời như vậy khi được hỏi về kế hoạch sau khi ra trường của mình. Và trên thực tế, những sinh viên chưa có được hoạch định rõ ràng sau khi rời ghế giảng đường là không hề ít. Có lẽ cũng chính vì thế mà hiện nay, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm vừa ý hoặc làm trái nghành vẫn đang ngày 1 tăng.

Hoạch định “đầu vào”

Với đa phần những sinh viên trước khi thi đại học, cao đẳng thường chọn cho mình 1 trường vừa với khả năng, sức học của mình. Điều đó là hợp lý, vì nó sẽ giúp con đường tới giảng đường của các tân sinh viên trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, hiện nay các trường đại học, cao đẳng mọc lên ngày 1 nhiều. Hơn nữa, các trường đại học có tên tuổi hàng năm cũng mở thêm nhiều nghành đào tạo mới. Chính vì thế mà sự lựa chọn cũng phong phú hơn. Không khó để chọn cho mình 1 trường vừa sức, nhưng việc chọn nghành học phù hợp lại là vấn đề đáng phải bàn tới. 

Có nhiều người, việc thi vào đại học nào, sẽ học nghành gì hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Chính sự thụ động này cũng khiến các bạn không hoạch định được tương lai bởi trong suy nghĩ của mình, mọi thứ đã có người khác lo. Và nhiệm vụ của họ chỉ là thi vào đó để vừa lòng gia đình mà không hề quan tâm đến việc nghành học đó có hợp với mình không, ra trường sẽ làm cái gì.

Cũng có rất nhiều người khi lựa chọn nghành học cho mình đều chỉ dựa theo cảm tính. Điều này có thể thấy rõ khi mà sự hiểu biết về các nghành học của đa phần các bạn chuẩn bị thi vào đại học, cao đẳng là chưa nhiều. Và chuyện sinh viên khi đã học được 1 thời gian và cảm thấy nghành học đó không phù hợp với mình không phải là chuyện hiếm. Việc hoạch định nghành học theo cảm tính đã khiến nhiều sinh viên khó khăn cả trong việc học lẫn kế hoạch ra sau khi ra trường của mình.

Tiến, ĐH Y Hà Nội là 1 ví dụ điển hình. Hết cấp 3, đua theo bạn bè và thấy danh tiếng của đại học Xây dựng khá nổi tiếng nên Tiến đã thi vào và đạt điểm rất cao. Thế nhưng sau một thời gian học, Tiến mới cảm thấy hối tiếc. Sau 1 học kỳ, Tiến nhận ra rằng nghành kỹ thuật khô khan và không hề hợp với cậu. Thế là cậu quyết định bỏ dở chương trình học để thi vào đại học Kinh tế Quốc dân và đại học Y Hà Nội. Tiến đỗ cả 2 trường và quyết định chọn đại học Y. Đến giờ, sau hơn 1 năm học ở ĐH Y, Tiến cũng chẳng biết nghề bác sỹ có hợp với mình không nữa.

Trường hợp vào đại học rồi mới thấy nghành học không thích hợp như Tiến không phải là hiếm. Bạn nào tiếp tục học thì sẽ khó mà cảm thấy hứng thú trong việc học. Còn những bạn quyết định bỏ để thi trường khác thì bị phí mất 1 khoảng thời gian học với khoản chi phí ăn học tốn kém. Hơn nữa đa số các bạn khi thôi học trường này để sang trường khác đều phải trả phí đào tạo cho trường cũ với số tiền không hề nhỏ.

Chuyện "Đầu ra" và những dự định... trong tương lai

“Bây giờ em cứ việc học đã. Ra trường rồi tính đến việc làm cũng chưa muộn”, Hồng Vân, sinh viên ĐH Kinh tế đã trả lời như vậy khi được hỏi về kế hoạch sau khi ra trường của mình.

Câu trả lời của Vân là câu trả lời chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Việc coi trọng việc học và tiếp thu kiến thức là cần thiết. Nhưng cũng chính vì suy nghĩ đó khiến việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của đa phần sinh viên bị hạn chế. Hơn nữa, chương trình giáo dục của đa số các trường đại học vẫn nặng về lý thuyết và ít dành thời gian để sinh viên có những buổi học ngoại khóa để sinh viên có thể phát triển kỹ năng xã hội.

 
Khá nhiều sinh viên chỉ biết chăm chú học mà không có 
kế hoạch cụ thể cho tương lai (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Bên cạnh đó, trong chương trình học cũng có quá ít các môn học liên quan đến việc định hướng cho sinh viên sau khi ra trường. Điều này đã phần nào khiến sinh viên tích lũy được rất ít kiến thức cần thiết để hoạch định tương lai của mình. Thậm chí điều đó còn khiến nhiều sinh viên sau khi ra trường đã rất thụ động trong việc tìm cho mình 1 lối đi hợp lý.

Cũng có nhiều sinh viên đã lập cho mình một kế hoạch sau khi ra trường. Có người thì sẽ đi học tiếp, có người sẽ đi làm luôn hoặc đi du học. Nhưng trong số đó, cũng có nhiều những kế hoạch không thực sự đúng hướng và hiệu quả.

Trên thực tế, nhiều người chọn cho mình con đường tiếp tục học lên hoặc học tiếp trường khác nhưng đó không xuất phát từ việc đam mê học tập, nghiên cứu mà xuất phát từ chính việc chưa dám dấn thân vào môi trường công việc. Điều này dẫn đến khả năng đánh giá bản thân chưa tốt, chưa có được sự tự tin cần thiết để vào đời. Và tất nhiên sau một thời gian học lên, bằng cấp sẽ chất lượng lên nhưng tương lai khó mà tươi sáng như mong muốn khi khả năng ứng phó với xã hội còn hạn chế.

Cũng có nhiều bạn quyết định học theo vì muốn nâng cao kiến thức của mình để sau này thuận tiện cho công việc. Thế nhưng do không hoạch định khoa học cũng như đánh giá đúng khả năng nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống như trường hợp của Ngọc Anh, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương.

Tốt nghiệp loại giỏi ĐH Ngoại thương, Ngọc Anh học đại học văn bằng 2 tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian học tại đây, cô liên tục nộp hồ sơ xin học bổng du học. Đến giờ, sau khi học xong văn bằng 2, Ngọc Anh vẫn chưa chịu đi làm mà quyết tâm “săn” được học bổng du học. Kết quả là sau gần 3 năm, bạn bè đồng lứa rất nhiều người đã ổn định và có thu nhập cao thì 1 người vốn học giỏi và năng động như Ngọc Anh lại đang ở nhà sống dựa vào bố mẹ. Nếu có xin được học bổng thì sau khi tốt nghiệp chắc chắn cô cũng không còn trẻ nữa và việc tiếp xúc với môi trường công việc khá muộn chắc chắn sẽ là 1 hạn chế của cô.

Rõ ràng với sinh viên, việc hoạch định tương lai là rất quan trọng. Và việc hoạch định cần phải có từ khi lựa chọn nghành học cho phù hợp với khả năng của mình. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát huy hết năng lực của mình. Việc hoạch định tương lai cũng là cách tìm cho mình 1 hướng đi đúng đắn trong công việc và cuộc sống sau này.

 Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• Bộ GD-ĐT sẽ ép dùng nguồn mở (16/11/2009)
• Học trường Tây (12/11/2009)
• Dạy con biết... nghèo (09/11/2009)
• Những sinh viên “vô hình” trên giảng đường (06/11/2009)
• Năm giá trị căn bản cần dạy con (03/11/2009)
• Tội ác bắt đầu từ đâu? (02/11/2009)
• Các em giỏi quá! (31/10/2009)
• Chuyện “lạ” của ngành giáo dục (30/10/2009)
• Tân sinh viên, những thay đổi sau cánh cửa đại học (29/10/2009)
• Học sinh giỏi cũng… khổ (28/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd