Mốt thịnh hành
Điều đáng nói là việc Gmail liên tục chết trong vài tháng gần đây đã khiến cho doanh nghiệp phải đặt dấu hỏi về độ tin cậy của các dịch vụ "điện toán đám mây" mà Google đang cật lực quảng cáo.
Điện toán đám mây, hay còn gọi là dịch vụ Web, đang là cái mốt thịnh hành. Các hãng công nghệ lớn, nhỏ đang đua nhau chuyển càng nhiều sản phẩm và dịch vụ lên "mây" càng tốt. Thay vì những ứng dụng phần mềm phải cài đặt vào máy tính như truyền thống, đây là những phần mềm lưu trú trên máy chủ mạng và bạn có thể dùng được tại bất cứ máy tính nào kết nối Internet.
Khá nhiều tên tuổi lớn đã đặt cược cho công nghệ này. Amazon vừa công bố một dịch vụ "điện toán đám mây" mới với tiêu chí bảo mật đặt lên hàng đầu. Microsoft cung cấp một gói dịch vụ văn phòng trực tuyến và gần đây cũng ra mắt bản preview của Office Web Apps, phiên bản "đám mây" của Word, Excel, PowerPoint và OneNote.
Nhiều người cho rằng Google hiện đang là quán quân trên thị trường điện toán đám mây. Web chính là sân chơi thế mạnh của gã khổng lồ tìm kiếm, và Google dường như có cả một danh sách dịch vụ/sản phẩm vô tận để cung cấp qua nền Web.
Không bằng lòng với vị thế thống trị trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến hiện có, Google đang mở một cuộc thập tự chinh hùng hậu nhằm vào thị trường phần mềm văn phòng trực tuyến. Hiển nhiên, Google sẽ phải đối đầu trực diện với Microsoft, kẻ không muốn bị đánh mất quyền kiểm soát người dùng phần mềm chút nào.
Liên tục hỏng hóc
Cho tới nay, các nỗ lực của Google cũng đã thu được một số thành công nhất định. Nhiều người dùng và doanh nghiệp nhận thấy Google Docs có thể đáp ứng được các nhu cầu về phần mềm văn phòng của họ.
Gmail có thể thỏa mãn nhu cầu email, trong khi Google Calendar cung cấp tính năng sắp xếp lịch làm việc, Google Talk cho phép chat IM. Về cơ bản, Google có đủ công cụ và dịch vụ để phụng sự nhu cầu làm việc, truyền thông của mọi tổ chức, từ mạng Web.
Vấn đề là các dịch vụ của Google liên tục vấp phải sự cố "rớt mạng" trong thời gian gần đây. Trước sự cố Gmail "chết đứ" hai ngày hôm qua, trang tin thời sự Google News cũng không thể truy cập. Ngày 1/9/2009, lại là Gmail trục trặc.
Xa hơn một chút, vào ngày 14/5, người dùng không thể truy cập trang chủ Google trong vài giờ. Sau đó 4 ngày, vào ngày 18/5, đến lượt Google News "chết cứng". Ngày 9/3 năm nay, người dùng Gmail không thể đăng nhập vào hòm thư của mình.
Cần là... không có
Việc trục trặc với tần suất dày đặc đã hủy hoại nghiêm trọng niềm tin và sự tín nhiệm dành cho đám mây. Những doanh nghiệp đang cân nhắc lợi - hại khi chuyển sang sử dụng dịch vụ Web sẽ có lý do để mà lo ngại, khi mà những đứa con "ẵm ngửa" của điện toán đám mây không phải lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ họ.
Dù có nhiều lợi thế tiềm năng đến mấy, nhưng nếu như thiếu đi sự ổn định và yếu tố "cần là có ngay", đám mây cũng khó lòng thuyết phục được các tập đoàn.
"Khi bạn cần phải làm gấp một tài liệu để gửi cho đối tác, ứng dụng lại không thể nào truy cập được. Khi bạn cần chia sẻ lịch họp với cả công ty, file không thể nào gửi đi được. Hãy tưởng tượng thiệt hại sẽ lên tới mức nào, khi mà chỉ một giây cũng đáng giá vàng bạc trong kỷ nguyên thông tin này?", BusinessWeek phân tích.
Bình luận về chuyện này, chuyên gia David Coursey đã nói rằng "Thay vì liên tục bổ sung thêm những tính năng mà giá trị của nó đến đâu còn chưa ai biết như Sidewiki hay Fast Flip, nên chăng Google nên dừng lại, hít một hơi thật sâu rồi tập trung cho chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm phổ biến thì hơn?".
Theo VietNamNet/BusinessWeek
CÁC TIN KHÁC
|