"Mẹ chỉ mong con đến trường chăm ngoan, đều đặn, thân thiện
và chan hòa với bạn bè..." Ảnh: Phạm Hải
Lớp con có hơn 60 bạn thì đến 48 bạn đạt 3 điểm 10 trong kỳ thi học kỳ 1. Con là một trong số ít những bạn không đạt điểm 10 nào, mà chỉ đạt 3 điểm 9.
Bài kiểm tra tiếng Việt của con, cô viết: “Chữ viết chưa rõ ràng, không sạch sẽ, tẩy xóa nhiều”. Nhưng con vẫn được 9 điểm. Trong khi đó, những bài viết của con hàng ngày, cô chấm chỉ được có 7 điểm. Hôm nào khá lắm là 8 điểm.
Xem bài kiểm tra môn toán, con làm thiếu một phần và làm sai một ý. Bố hỏi có vẻ như trách con: “Hôm trước bố dạy con làm dạng toán này rồi cơ mà?”. Con rơm rớm nước mắt: “Tại vì con chưa kịp đọc kỹ đầu đề. Các bạn ai cũng làm xong nhanh quá, con cuống…”. Nhưng con vẫn được 9 điểm.
Bài kiểm tra đọc, cô nhận xét: “Đọc to nhưng chưa trơn”. Cũng chỉ vì mẹ không dạy con học trước. Con không đọc thông, viết thạo trước khi bước vào lớp 1. Con có phần “chậm” hơn so các bạn cùng lớp. Nhưng con vẫn được 9 điểm.
Trong sổ liên lạc của con, cô phê: “Con còn hay mất trật tự, làm việc riêng trong giờ, chưa tập trung nghe giảng nhưng chăm chú phát biểu xây dựng bài”. Nhưng các đánh giá khác của con đều là mức A-, riêng môn thể dục con được A+. 3 bài thi học kỳ con không có môn nào dưới 8.
Rõ ràng, con đạt học sinh giỏi là đương nhiên rồi.
Con được nghỉ 1 ngày khi hết học kỳ. Mẹ cho con đi chơi. Rồi tối nay, mẹ lại bắt con phải tập viết, học nhẩm toán, tập đọc. Vì mẹ biết con vẫn còn sai một số vần, vẫn chưa thạo toán. Con mải xem hoạt hình nên cự nự: “Mẹ ơi, cả lớp con đều được học sinh giỏi. Học ít hay học nhiều, đằng nào mà con chả được học sinh giỏi…”
Mẹ lặng người, không biết giải thích thế nào để con hiểu.
Nhưng mẹ mong con thực sự đạt danh hiệu học sinh giỏi bằng chính năng lực của mình, chứ không phải nhờ vào sự châm chước của cô, để tô vẽ thêm cho bảng thành tích và việc xếp loại cuối học kỳ của lớp.
Mẹ chỉ mong con đến trường chăm ngoan, đều đặn, thân thiện và chan hòa với bạn bè. Mẹ muốn con thích đến trường, thích học, muốn con coi mỗi ngày đến lớp là một niềm vui.
Nên mẹ đã không ép con học trước. Đó có phải là sai lầm của mẹ chăng?
Có lẽ, con không được học sinh giỏi, mẹ còn cảm thấy an tâm hơn…
Theo VietNamNet