Cũng vẫn có vài người thành công dù họ không tuân theo nguyên tắc thông thường, nhưng con đường đi đến thành công của họ cũng rất khác nhau. Xét cho cùng, chúng ta hãy dựa vào tình hình thực tế của bản thân để lựa chọn cho mình hướng đi thích hợp nhất.
Sau khi thành danh và trở về trường cũ, Bill Gates đã nói một câu: “Nếu cho tôi được một lần lựa chọn lại, tôi sẽ chọn cho mình con đường như các bạn hiện nay, đó là học đại học”.
Bill Gates vốn không học hành đến nơi đến chốn, việc “bỏ học” của ông đã trở thành đề tài cho thiên hạ bàn tán. Qua nhiều bài viết về nhân vật nổi tiếng này, người ta cũng biết được việc Bill Gates trở thành người giàu nhất hành tinh như hiện nay chẳng hề liên quan gì đến chuyện ít học của ông cả.
Vậy mà nhiều người vẫn cho rằng muốn có thành công lừng lẫy, nên chăng hãy làm những việc “khác người”, trái với quy luật thường tình trong cuộc sống. Giống như Bill Gates vậy, bất chấp sự phản đối của cha mẹ, không thèm chú trọng việc học mà quyết chí chọn công việc mình yêu thích.
Ngoài Bill Gates ra, còn có một ví dụ khác. Đó là một Thomas Edison ngốc nghếch thuở thiếu thời, thường bị điểm kém môn số học, lớn lên lại trở thành nhà phát minh nổi tiếng thế giới.
Thế là, quan điểm mới lại xuất hiện: trở thành người xuất chúng bằng những việc làm khác thường mới đáng để người ta kinh ngạc. Tệ hại hơn, người ta còn bị dẫn dắt đến suy nghĩ sai lấm: Muốn thành danh ư? Chẳng cần phải kiên trì bước từng bước một. Cũng không cần học tập theo cách thức giáo dục hiện nay, đấy chỉ là công cụ phục vụ cho thi cử mà thôi.
Đài truyền hình của quốc gia nọ từng tổ chức chương trình giao lưu gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng. Khách mời là năm nhà khoa học tên tuổi trong nước.
Trong buổi giao lưu ấy, một cậu bé đứng lên đặt câu hỏi với năm nhà khoa học:
“Các bác có thể kể về thành tích học tập lúc nhỏ cho chúng cháu biết được không ạ?”
Năm vị lần lượt trả lời. Thành tích học tập của họ rất xuất sắc, luôn đứng đầu lớp từ hồi còn học tiểu học. Duy nhất một người bảo rằng ông hơi kém môn Văn và Lý, nhưng Anh văn, Hóa học và Địa lý cũng chẳng kém gì các bạn học cùng lớp.
Câu trả lời đó có tác dụng rất tích cực về mặt giáo dục, cũng như đối với sự trưởng thành của tâm hồn trẻ thơ, vì sẽ khuyến khích các em noi theo tấm gương đó mà cố gắng phấn đấu.
Đúng là xưa nay cũng có những đứa trẻ làm bài thi không đủ điểm, học tập kém, không xem trọng việc học, nhưng sau này lại thành danh. Tuy nhiên đấy chỉ là vài trường hợp đặc biệt, rất hiếm hoi. Mà thế giới này thì, suy cho cùng, vẫn là lấy “quy tắc thông thường “ làm chủ đạo.
Chúng ta không phủ nhận “trường hợp đặc biệt” vì nó vẫn tồn tại đấy thôi. Nhưng đó không hẳn là tấm gương để chúng ta noi theo. Xem thường quy luật thông thường là việc làm vô cùng nguy hiểm.