Ngôi trường này đang khiến nhiều chuyên gia giáo dục chú ý, khi tất cả các em học sinh trong trường đều có ít nhất một lần trong mỗi năm học được làm lớp trưởng, lớp phó. Kể cả các em còn thiếu “chuẩn” về dáng vóc, nhút nhát trong các hoạt động, thậm chí hoang nghịch, biếng học, cũng “bị làm” cán bộ lớp.
Luân phiên mỗi tháng một lần, các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5 được cắt cử làm lãnh đạo như vậy. Không theo thông lệ từ trước đến nay, đó là phải to con khoẻ mạnh, học giỏi, và có tố chất làm … lãnh đạo!
Thế nhưng, kết quả mô hình này lại khá lý thú : Qua thời gian làm cán bộ lớp, em nào cũng trở nên ngoan và học giỏi hơn, yêu thầy mến bạn. Đặc biệt nhiều em không còn là những “cậu ấm cô chiêu” quen nhõng nhẽo vòi vĩnh, dỗi hờn, mà trở nên tự tin, ứng xử đầy trách nhiệm với mọi người.
Vẫn biết vô cùng khập khiễng khi so sánh hai chữ “lãnh đạo” ở đây, giữa một ông lớn quyền hành ngoài đời với một cậu lớp trưởng tiểu học. Nhưng có điểm rất chung, nếu trả lời được câu hỏi thể hiện thuộc tính bản chất của vấn đề.
Đó là : “Làm lãnh đạo để làm gì?”. Có phải để nhận gánh trách nhiệm nặng nề trước tập thể, trước cộng đồng, để gắn kết, thúc đẩy, phát triển tập thể, cộng đồng ấy đóng góp nhiều hơn cho xã hội tuỳ theo lĩnh vực tham gia, dù người lãnh đạo nhiều khi phải hy sinh cả những lợi ích riêng của mình ? Và cũng chính là để hoàn thiện mình ? Hay chỉ để mải mê “gặt hái” khi đã giành được một chỗ đứng cao hơn mọi người ?
Đa phần chúng ta do ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống, đã hiểu sai, hoặc cố tình lờ đi vai trò quan trọng, trách nhiệm cao cả của người lãnh đạo, mà chỉ nhìn thấy giá trị kim tiền, danh vọng từ những vị trí ấy. Học cách thức, kể cả chiêu chước mưu mẹo làm lãnh đạo thì đã có nhiều nơi đào tạo, nhiều sách vở bày vẽ. Nhưng được dạy về trách nhiệm thì có lẽ chưa nhiều, hoặc chưa thấm.
Một tập đoàn nước ngoài hiện đang mở khoá đào tạo lãnh đạo cho các bé từ 3 đến 8 tuổi tại Hà Nội. Nghe nói chương trình trên đã ứng dụng tại 40 quốc gia. Kỹ năng giao tiếp, thảo luận, tương tác nhóm, và đặc biệt là ý thức trách nhiệm trước mỗi quyết định của các bé được tập trung rèn giũa.
Hằng năm, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh những nhà lãnh đạo trẻ thế giới, rồi các đại sứ nhí trong tất cả các lĩnh vực các quốc gia cùng quan tâm. Trong vai trò lãnh đạo, kể cả vị trí nguyên thủ một quốc gia, dù là giả định, nhưng những người trẻ thể hiện trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia mình.
Cựu Tổng Thư ký LHQ, ông Kofi Annan, tại Hội nghị Thượng đỉnh những nhà lãnh đạo trẻ thế giới lần thứ I tại Hoa Kỳ năm 2006, đã nói: “Thanh niên có quyền được tham gia các công việc của xã hội từ khi mới sinh ra”. Một người khi trưởng thành, dù không có cơ hội làm lãnh đạo thực sự, nhưng vẫn đem lại lợi ích lớn lao cho xã hội, khi từ nhỏ đã được dạy làm người sống có trách nhiệm.
Theo HuongNghiep