IP:3.144.40.90

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




"Bầu" ứng viên chức danh phó giáo sư không đạt chuẩn?
11/09/2009 07:15 AM

Theo lịch trình của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Các Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đã và đang khẩn trương tiến hành các công việc cần thiết để có thể bầu ra những tân GS, PGS để kịp tôn vinh vào ngày 20/11 tới đây. Ấy thế nhưng bên cạnh các nhà giáo - nhà khoa học có uy tín, trình độ chuyên môn… dường như đây đó vẫn “lọt” ứng viên chưa đạt “chuẩn”?

Công bố của ĐHSP Hà Nội trên trang web hnue.edu.vn ngày 24/8/2009 cho biết: Hội đồng chức danh GS, PGS cơ sở nhà trường bầu được 24 ứng viên. Đây có thể xem là một kết quả nghiêm túc - 13 vị khác không vượt qua vòng “sơ loại”. Tuy nhiên, rất có thể do thiếu thông tin mà bản danh sách của Hội đồng nhà trường vẫn để lại vết “gợn” từ ứng viên Lê Văn Trưởng.

Cách đây vừa đúng 2 năm, dư luận cả nước từng phản ứng dữ dội về “Một kỳ thi gian dối trắng trợn” - tuyển sinh Đại học Nông lâm hệ tại chức của ĐH Hồng Đức tại huyện Thường Xuân, Thanh Hoá ngày 18-19/8/2007. Theo điều tra của phóng viên báo Lao động (các ngày 22, 27 và 30/8/2007), kỳ thi này đã xảy ra tình trạng: tuyên truyền cho thí sinh cách sao chép bài thi; dạy cách cho thí sinh chép để không bị giống nhau đồng loạt; thu tiền lệ phí vượt mức mỗi thí sinh hàng trăm ngàn đồng; làm lơ để người ngoài tuồn bài vào phòng thi… Sự việc đến hôm nay vẫn như vết thương chưa liền sẹo của một cơ sở đào tạo.

Nếu vào trang tìm kiếm Google, chỉ cần gõ dòng chữ “Một kỳ thi gian dối trắng trợn”, người ta có thể tìm thấy khoảng 600 kết quả (0,7 giây). Điều đáng nói là chính “ứng viên PGS” Lê Văn Trưởng đã giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng ban Coi thi của kỳ tuyển sinh đáng xấu hổ trên (Quyết định 660/QĐ-ĐHHĐ ngày 8/8/2007 và danh sách kèm theo ngày 15/8/2007 do Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phát ký).

Cho dù sau đó, nhà trường thi hành kỷ luật nhiều cá nhân, từ Phó ban Coi thi Lê Hữu Cần, cán bộ thanh tra Nguyễn Hữu Đề đến 6 người khác thì đông đảo cán bộ, giảng viên ĐH Hồng Đức vẫn đang đặt câu hỏi: tại sao ông Trưởng ban Coi thi Lê Văn Trưởng - người chịu trách nhiệm cao nhất về kỷ luật phòng thi lại “trắng án”? Và một kỳ tuyển sinh được định danh là “gian dối trắng trợn” mà ông Trưởng ban Coi thi vẫn “sạch sẽ”, “trung thực” như không có gì để hôm nay nộp hồ sơ “ứng viên PGS” ngành Khoa học Trái đất ư?

 

Quyết định cử ông Trưởng làm Phó Chủ tịch Hội đồng-Trưởng ban Coi thi 
của kỳ tuyển sinh Đại học Nông lâm hệ tại chức của ĐH Hồng Đức .

Chương II, điều 8 (khoản 1 và 2) về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/12/2008, nêu rõ: “Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện; trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ”...

Từ nội dung này có thể khẳng định ngay rằng, ứng viên chức danh PGS Lê Văn Trưởng thiếu cái gọi là “trung thực”; nói cách khác, ông Trưởng không đạt “chuẩn PGS”. Tang chứng và nhân chứng hãy còn, đâu dễ vùi lấp!

Chưa hết, gần đây, ĐH Hồng Đức có thêm một sự kiện thuộc loại “xưa nay hiếm” trong làng khoa học nước nhà: vị “đại khoa” nọ (TS. Mai Hảo Yến) ngang nhiên “đạo” 3 công trình khoa học của 2 chuyên gia lão làng ngành Ngôn ngữ (cố GS. Đỗ Hữu Châu, GS. Diệp Quang Ban), đề tên mình rồi bán cho học trò… thì ông Lê Văn Trưởng cũng tỏ ra không lấy gì làm “trung thực”. Vụ “đạo văn” nổ ra được gần 2 tuần (Nông nghiệp Việt Nam, Tiền phong đều có bài phản ánh), ông mới gửi công văn cho “nạn nhân” - gia đình cố GS. Đỗ Hữu Châu. Thêm 17 ngày nữa để công văn tới nơi. Ông viết: “Nhà trường đã cho tiến hành kiểm điểm rõ trách nhiệm, đồng thời kiên quyết giáo dục để người sai tự sửa chữa khuyết điểm”. Song, sự thật nhà trường không “kiên quyết giáo dục” và “người sai” chẳng hề có ý “tự sửa chữa khuyết điểm” như ông Lê Văn Trưởng thông tin - đương sự rất “quanh co”, khiến cán bộ giảng viên nhà trường bức xúc, yêu cầu viết lại bản kiểm điểm nhiều lần. Mức kỷ luật cách chức Trưởng bộ môn đối với vị “đạo sĩ” cũng không thỏa đáng.

Nói cho công bằng, không riêng gì ĐH Sư phạm Hà Nội, các Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở không thể nắm hết mọi thông tin về ứng viên - thường căn cứ vào hồ sơ nhận được. Trong hồ sơ, ứng viên cũng chỉ kê khai theo kiểu “tốt đẹp phô ra”. Nên chăng, trong quá trình bầu chức danh GS, PGS… chúng ta cần có khâu “kiểm tra tư cách ứng viên” để tránh “lọt lưới” những “đại diện” không xứng đáng? Và với trường hợp ông Lê Văn Trưởng trên đây, dư luận đang chờ lá phiếu công bằng từ Hội đồng chức danh liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ và Hội đồng giáo sư Nhà nước khi “quả bóng” đã được Hội đồng cơ sở “đá” lên!

Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• Đào tạo liên kết: Quản lý chưa đuổi kịp quy mô (10/09/2009)
• Người lớn thiếu giáo dục để làm cha, làm mẹ (08/09/2009)
• Cách dạy trẻ của người Mỹ (08/09/2009)
• Chấm dứt đưa ra chỉ tiêu thi đua không có cơ sở (05/09/2009)
• Teen và mạng xã hội đang tạo ra nhiều từ mới (04/09/2009)
• Bộ trưởng Giáo dục: 'Hai năm tới chấm dứt việc đọc-chép' (03/09/2009)
• Giáo viên 2 năm liền không đạt yêu cầu sẽ bị loại khỏi ngành (03/09/2009)
• Đổ xô đi học ''đuổi chữ'' (01/09/2009)
• Đào tạo theo tín chỉ: Vừa làm vừa băn khoăn (31/08/2009)
• Triệt tiêu phương pháp dạy học “đọc - chép” (28/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd