IP:3.145.103.169

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Học sinh nhí “kinh doanh”
26/03/2010 08:20 AM

Gần đây, nhiều học sinh cấp tiểu học có sáng kiến, có ý tưởng “kinh doanh” sáng tạo rất đa dạng mà chỉ có các em mới nghĩ ra. Phụ huynh bối rối, không biết nên mừng hay nên lo và ứng xử với các em sao cho hợp lý.

Muôn vẻ chuyện trẻ “kinh doanh”

“Mỗi ngày tranh thủ khi tan học em đem cá cảnh bán cho các bạn trong lớp. Mỗi con lời vài trăm đồng thôi, đủ để bỏ ống heo” - em Nguyễn Hữu Đang, học sinh lớp 3 tại quận Thủ Đức khoe.

Đang cho biết cá cảnh chủ yếu là cá đá, cá bảy màu, cá kiếm… Em mua những con cá này lúc còn là cá con, nuôi cho lớn thêm một tí rồi bán.Đang còn khoe: Mùa hè này mấy bạn trong lớp còn “đầu tư” cả diều nữa.

Còn em Võ Thanh My, học sinh lớp 4, trường tiểu học ở quận 3 thì bán những chiếc kẹp tóc, vòng tay nhỏ xíu xinh xắn cho các bạn nữ. “Em bán như vậy, tiền lời chỉ đủ rủ bạn ăn kem, hay mua những cuốn truyện nhỏ rồi chuyền tay cho các bạn trong lớp đọc” - My giải thích.

Ý tưởng bán kẹp tóc của My từ việc nhà em ở gần chợ, thấy mấy bạn nhỏ theo mẹ đi chợ thường chăm chú lựa kẹp tóc. Khi giờ ra chơi thì My bày “gian hàng” của mình trong một bịch nylon. “Mỗi chiếc giá 1.000-3.000 đồng nên vừa hợp túi tiền của các bạn thôi. Mẹ em có la em là không nên bán đồ nữa, ảnh hưởng đến việc học. Nhưng nhà em ba mẹ đều làm công nhân, em muốn để dành tiền mua đồ dùng học tập để bớt phần nào gánh nặng” - My bày tỏ.

Cho thuê đồ chơi, vay nóng!

Một số em còn có sáng kiến cho bạn thuê các loại đồ chơi điện tử như người máy, xe, máy bay điều khiển từ xa… với mức phí 500 đến 1.000 đồng/ngày.

Độc chiêu hơn, một số học sinh còn cho bạn vay tiền ăn quà lấy lãi. Em Hồ Văn T. (học sinh lớp 3) kể: Một số bạn lớp em và mấy bạn ở lớp bên cạnh thường cho bạn khác mượn tiền rồi lấy lãi cứ 1.000 đồng trả lãi 100 đồng/ngày. “Nhưng có bạn mượn cả tuần không trả thì cũng ngại gặp. Nhiều bạn mượn tiền chơi game nên bị nợ tiền đến cả trăm ngàn” - T. cho hay.

Mức lãi suất này đã cao nhưng chưa phải đỉnh điểm. Ở Trường Trần Quốc Thảo, quận 3, có nhóm học sinh cho bạn vay tiền 1.000 đồng/tuần trả 1.500 đồng. Tính ra lãi suất đến 50% ngày.

Phụ huynh lo

Tiếp xúc với một số phụ huynh, phần lớn không đồng tình với việc học sinh còn nhỏ tuổi mà đã tập buôn bán, kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao (Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Chị có con học lớp 3, ngày Giáng sinh năm rồi cháu cùng các bạn trong lớp thường rủ nhau về nhà học nhóm. Chị tò mò vào phòng kiểm tra mới biết các cháu đang làm thiệp Giáng sinh để bán lại cho các bạn trong lớp. Chị khuyên là đừng chú tâm vào việc buôn bán. Con đang tuổi đi học thì phải lo học. Cháu mới bảo là “Ở lớp con mấy bạn cũng làm thiệp Giáng sinh, thiệp ai đẹp thì bán mới có bạn mua. Nhưng tụi con chỉ bán một cái có 1.000 đồng mà. Làm thiệp cũng khó lắm, phải mua sách về học đó mẹ. Làm được thiệp đẹp thì vui lắm mẹ”. Lúc đó tôi dặn là con chỉ bán đủ vốn thôi, lần khác đừng bán nữa”.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng, có con đang học lớp 2, thì cho rằng: "Trẻ con chỉ nên lo học cho tốt, dù buôn bán những món nhỏ vài ngàn đồng nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc học. Các em sẽ phân tâm lắm. Nếu để các em có tâm lý mình sẽ bán hàng kiếm lời thì dễ sinh tâm lý vụ lợi lắm. Tôi cấm con tôi còn nhỏ mà kinh doanh”.

Tuy nhiên, có phụ huynh thì cho rằng nên để trẻ tự lập một chút cũng không sao. “Tôi thấy với các em học sinh còn nhỏ mà kinh doanh cũng tốt. Tất nhiên là phải buôn bán đàng hoàng, lời ít hay lỗ một chút cũng là cách để các em biết quý giá trị đồng tiền. Ở nước ngoài, nhiều trường tiểu học khuyến khích học sinh ngoài giờ học lập kế hoạch, ý tưởng kinh doanh. Sau đó các thầy cô sẽ tạo điều kiện để các em tổ chức các gian hàng tại trường vào các ngày nghỉ, ngày lễ rồi mời phụ huynh học sinh đến tham dự và mua sản phẩm do chính các em làm ra. Như vậy sẽ làm trẻ năng động hơn, học tốt hơn” - anh Ngô Văn Hồng, có con đang học lớp 5 (quận 2), chia sẻ.

Cho làm để hoàn thiện nhân cách, không để kiếm tiền!

Trẻ em khoảng 5-10 tuổi rất hay chơi trò chơi bán đồ hàng. Trước đây khá lâu, những người đã từng là trẻ em thường hay dùng vật ước lệ tượng trưng thay cho tiền như lá, khoen nhựa, hoặc trao đổi sản phẩm thật như dây thun đổi lấy nắp chai nước ngọt, con thú nhựa đổi lấy quyển truyện tranh… Sau này, đồ chơi trẻ em làm cả tiền giấy, tiền nhựa có con số hẳn hoi. Trẻ dễ hình dung hơn về giá trị số đếm của tiền. Ngày nay, sản phẩm tiêu dùng tràn vào mọi ngõ ngách của đời sống đô thị, muốn có được sản phẩm thì cần có tiền để mua. Suy nghĩ thực tế về tiền đã len vào trò chơi của trẻ. Hơn nữa, trẻ em đi học vẫn được cha mẹ cho tiền, trẻ có thể mua thức ăn sáng, đồ chơi, một số em còn có thể tự đi siêu thị.

Từ sự tiếp cận sớm với tiền, một số trẻ em nảy ra sáng kiến kinh doanh. Có khi là sự bắt chước từ một số nội dung truyện đọc hoặc các trang trên mạng. Sản phẩm nhiều loại vẫy gọi, kích thích nhu cầu tiêu tiền, tiền ba mẹ cho không đủ, trẻ tìm đến cách đem hàng vào lớp bán cho bạn bè.

Bên cạnh đó, bây giờ trẻ em bắt đầu được học cách tự khẳng định bản thân. Một số trường hợp các em tự làm sản phẩm, chủ yếu để tự khẳng định, được bạn bè công nhận. Trong trường hợp này, nhu cầu kiếm được tiền không quan trọng bằng trẻ nhận được sự thán phục từ bạn bè.

Người lớn đa số rất dè dặt và lo lắng khi để trẻ em tiếp xúc với tiền từ tuổi còn nhỏ. Đây là suy nghĩ rất cần thiết cho việc giáo dục các giá trị đạo đức nơi trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, khi mà khả năng kinh doanh được cho là tố chất cần phát huy, có quan điểm cho rằng cần giúp trẻ thực hiện kế hoạch kinh doanh. Điều này đúng khi xác định đó là một kế hoạch không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu. Thông qua việc thực hiện một ý tưởng thành hiện thực, trẻ được học cách lập kế hoạch, tính kiên nhẫn, khả năng xử lý tình huống… Khi trẻ đạt được mục tiêu, sự khen thưởng của cha mẹ, thầy cô, cả về vật chất lẫn tinh thần là phần thưởng quý giá giúp trẻ tự tin hơn và trẻ đã được đáp ứng nhu cầu tự khẳng định. Kế hoạch của trẻ có thể là trồng một cây kiểng, làm thiệp, vẽ tranh, làm túi đựng bằng giấy tái chế, làm vòng đeo… Có thể tổ chức một hội chợ để các em tham quan sản phẩm của nhau, trao đổi (kể cả đồ cũ bị dôi dư) và quyên góp cho các bạn kém may mắn. Người lớn có thể mua những sản phẩm của các em nhưng tiền thu được cần có người lớn quản lý và cho các em biết sẽ làm từ thiện như thế nào. Trẻ sẻ cảm thấy mình có ích qua việc tạo ra những sản phẩm.

Những hình thức cho thuê, cho vay mà trẻ đặt ra cần được cấm vì nhiều khả năng tác động xấu cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Cha mẹ luôn là tấm gương giáo dục cho con trẻ cách tiêu tiền hợp lý, biết quý trọng tiền do công sức làm ra. Dạy con trẻ cách tiết kiệm thông qua chính cách sử dụng đồ đạc, thiết bị là chuẩn bị cho con thái độ tiêu dùng khôn ngoan.

Đoàn Bắc Việt Trân (Chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài (08)1088)

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Sự lựa chọn (20/03/2010)
• Bạn sẽ trưởng thành hơn nhưng không chắc sẽ khôn ngoan hơn (19/03/2010)
• Không phải lúc nào cũng nên nói thật (18/03/2010)
• Tâm lý hám lợi, không làm mà hưởng (17/03/2010)
• Đua nhau cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Ai làm khổ ai? (11/03/2010)
• Sống có mục tiêu (08/03/2010)
• Đừng tự khép chặt cánh cửa đời mình! (06/03/2010)
• 1 + 1 lớn hơn 2 (05/03/2010)
• Học làm... người già (04/03/2010)
• 'Đằng nào, con chả được học sinh giỏi...' (02/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd