Tuyệt đối không bán Tamiflu ra thị trường
Theo ông Kính, sở dĩ Việt Nam quyết định sản xuất loại thuốc này là nhằm khắc phục khó khăn trong điều trị cho đối tượng bệnh nhân là trẻ em.
Hiện nay việc điều trị cho các bệnh nhi nhiễm cúm A/H1N1 đều phải dùng liều của người lớn, sau đó bẻ viên thuốc ra làm 3 - 4 phần theo cân nặng của trẻ. Sự phân chia thuốc như vậy không đảm bảo chính xác, khiến hiệu quả điều trị có thể bị ảnh hưởng.
Ông Kính cho biết thêm, đầu tuần qua, Cục cũng làm việc với Sở Y tế TPHCM, tham gia hội chẩn chuyên môn một ca cúm A/H1N1 biến chứng nặng đang được điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và kết quả điều trị rất khả quan, bệnh nhân tiến triển tốt.
Về việc điều trị cúm A/H1N1, chiều nay 19/8, tại cuộc họp giao ban phòng dịch cúm ở người, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, ở thời điểm này, Bộ Y tế không chủ trương điều trị cúm A/H1N1 ngoại trú.
“Tất cả các trường hợp được xác định dương tính cúm A/H1N1 đều phải nhập viện điều trị, cách ly. Thuốc Tamiflu tuyệt đối không được bán ra thị trường mà phải điều trị theo hệ thống bệnh viện. Bệnh nhân nhiễm cúm nhập viện sẽ được điều trị miễn phí” - Bộ trưởng Triệu khẳng định.
“Kịch bản” ứng phó dịch trong mùa đông
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận định, Việt Nam đã có trên 1.500 ca cúm nhưng mới chỉ là giai đoạn đầu của dịch. Trong mùa đông sắp tới, nhiều khả năng con số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng lên.
Vì thế, ông Triệu đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cần xem xét, thẩm định khả năng xét nghiệm PCR xác định cúm A/H1N1 tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Bệnh viện nào có khả năng xét nghiệm sẽ được đầu tư để giảm tải xét nghiệm cho tuyến trên.
Bộ trưởng cũng lưu ý, bệnh nhân nếu có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm cũng phải điều trị ngay bằng Tamiflu. Vì bệnh nhân làm xét nghiệm nhiều khi quá tải, chờ đến 2 - 3 ngày mới có kết quả, điều trị muộn thì nguy cơ tử vong sẽ tăng lên.
Hơn nữa, vào mùa đông sắp tới, số lượng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 chắc chắn sẽ tăng nên không thể tiến hành xét nghiệm toàn bộ mà phải kết hợp với chẩn đoán lâm sàng.
Việc điều trị cũng sẽ được áp dụng phi tập trung hóa. Phát hiện bệnh nhân ở đâu sẽ điều trị ở đó, kể cả ở tuyến huyện. Các bệnh viện tuyến này cũng cần dành 5 - 10 giường bệnh cách ly, nếu có bệnh nhân sẽ được cấp thuốc điều trị theo phác đồ.
Ngoài ra, vắc - xin cũng là một vấn đề “nóng” cần quan tâm. Không riêng Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều đang “ngóng” những “mẻ” vắc - xin đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới công nhận để nhập về. Khả năng cung ứng vắc - xin trong giai đoạn đầu là rất hạn chế nên Bộ trưởng yêu cầu các tiểu ban cần xây dựng kế hoạch sử dụng vắc - xin để sẵn sàng nhập.
Để sẵn sàng cho số bệnh nhân có thể tăng đột biến trong mùa đông, Bộ trưởng Triệu cũng chỉ đạo tiểu ban giám sát cần đẩy mạnh việc mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xét nghiệm, đặc biệt là chuẩn bị cho sự kiện Asian Indoor Games 2009 sẽ diễn ra tại Việt Nam từ 30/10 - 8/11/2009 với khoảng 5.000 vận động viên quốc tế.
Ngày 19/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 101 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 82 ca, miền Bắc: 05 ca, miền Trung: 06 ca, Tây Nguyên: 08 ca). Đây là ngày có số bệnh nhân “kỷ lục” nhất kể từ khi Việt Nam phát hiện ca bệnh đầu tiên (31/5) đến nay.
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 19/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 1.676 trường hợp dương tính, 02 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 1.073; 603 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định
|
Theo dantri
CÁC TIN KHÁC
|