Sáng nay, ngày 24/8, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đã công bố khảo sát toàn cảnh công nghiệp phần mềm Việt Nam lần đầu tiên.
Khảo sát này do Vinasa thực hiện trong hai tháng (5 và 6/2009) với sự trợ giúp của Đại sứ quán Đan Mạch, Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI), Hiệp hội CNTT Đan Mạch (ITEK) và hãng nghiên cứu thị trường IDC. Có 145 doanh nghiệp phần mềm trong cả nước, trong đó có 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia khảo sát này.
Khảo sát của Vinasa cho thấy các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang chịu tác động nặng nề từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo kết quả khảo sát, chỉ có 36% số doanh nghiệp nhận định năm nay sẽ đạt tăng trưởng ổn định bằng hoặc cao hơn năm 2008, có tới 64% cho biết tăng trưởng sẽ thấp hơn, trong đó có 12% bị suy giảm nghiêm trọng và gặp khó khăn về tài chính.
Các điểm yếu ảnh hưởng lớn nhất với sự phát triển của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là quy mô nhỏ và thiếu nhân lực. Đa số các công ty phần mềm có qui mô vốn nhỏ và là công ty mới thành lập trong 10 năm gần đây. Có tới 82% công ty được khảo sát có vốn điều lệ dưới 25 tỷ đồng, trong đó có 65% công ty có vốn dưới 8 tỷ đồng, chỉ có 24 công ty (trên tổng số 145 công ty tham gia khảo sát) được thành lập trước năm 2000, tức chỉ chiếm 17%.
Ngoài hai điểm yếu trên, các khó khăn khác được các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhìn nhận là: suy thoái kinh tế toàn cầu, cơ sở hạ tầng CNTT, ngoại ngữ, bảo vệ bản quyền, vốn, thương hiệu, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu lộ trình tổng thể quốc gia về phát triển ngành, và ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển.
Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách của các doanh nghiệp phần mềm trong nước cũng rất hạn chế, nhiều chính sách quan trọng của ngành không được phổ biến tới các doanh nghiệp. Có tới 40% số doanh nghiệp được khảo sát không biết đến 2 chương trình quan trọng của ngành phần mềm là Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm VN đến năm 2010 và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số VN đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua đầu năm 2007.
Tuy nhiên, khảo sát nhận định trình độ công nghệ và năng lực hội nhập của các doanh nghiệp phần mềm rất nhanh. Có tới 57 công ty (chiếm 39%) tham gia khảo sát đã có các chứng chỉ quốc tế về chất lượng, trong đó có 5 công ty đạt mức cao nhất là CMMi bậc 5. Trong đó, các chứng chỉ chuyên môn quốc tế phổ biến nhất trong các doanh nghiệp phần mềm hiện nay là: kỹ sư hệ thống Java (Java SE), chuyên gia phát triển ứng dụng Microsoft (Microsoft Certified Application Developer - MCAD), Java EE, chuyên gia cơ sở dữ liệu Oracle (SQL Certified Expert), và chuyên gia công nghệ Microsoft (Microsoft Certified Professional Developer - MCPD).
Về dịch vụ, ba loại dịch vụ có nhiều công ty phần mềm tham gia cung cấp nhất hiện nay là: Phát triển các ứng dụng trên web, phát triển các giải pháp riêng cho khách hàng, và tư vấn CNTT. Có khoảng 60% doanh nghiệp phần mềm triển khai các dịch vụ này. Dịch vụ gia công phần mềm cũng có tới 50% số doanh nghiệp phần mềm hiện nay tham gia. Riêng dịch vụ gia công tác vụ (BPO) tuy mới xuất hiện nhưng cũng có tới 30% số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch triển khai trong một năm tới.
Dựa trên kết quả khảo sát này, Vinasa cho biết trong tháng 9/2009 sẽ tiến hành thảo luận trong nội bộ hiệp hội và phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cụ thể với Bộ TT&TT cũng như với Chính phủ để có các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành phần mềm, đồng thời giúp các doanh nghiệp phần mềm vượt qua các khó khăn, thách thức do hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo ICTNews
CÁC TIN KHÁC
|