IP:13.58.161.115

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Nâng cao chất lượng giáo dục: Bắt đầu từ chính sách với đội ngũ giáo viên
27/08/2009 07:54 AM

Cải cách giáo dục (GD) bắt đầu từ đâu? Đó là câu hỏi của dư luận với sự nghiệp GD nước nhà. Nhà giáo Trần Hữu Trù - nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GDĐT - nhận định rằng: Đội ngũ giáo viên (GV) giữ vai trò quyết định đối với chất lượng GDĐT.

Cải cách GD phải bắt đầu từ đội ngũ GV. Toà soạn xin giới thiệu bài viết của ông.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng - cho rằng: Bao nhiêu ý tưởng, cách làm hay, nhưng nếu GV không có năng lực tổ chức thực hiện thì không thể thành công như mong đợi.

Trước thềm năm học mới 2009-2010, TPHCM đã tuyển 3.500 GV mới, nhưng đến nay vẫn thiếu 600 GV tiểu học. Trong khi đó, sở đã phải giải quyết hàng trăm đơn của GV xin chuyển công tác và từ chối GV mới. Vì sao còn tình trạng thiếu GV ở nhiều nơi? Vì sao GV vẫn còn xin chuyển ngành hay bỏ nghề? Và nhìn chung chất lượng GV các ngành học, cấp học còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GDĐT hiện nay?

Điều đó, phải chăng ngành GD chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của đội ngũ GV. Từ đó chưa có một chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ và có các chính sách phù hợp thỏa đáng để phát huy được năng lực sở trường của đội ngũ và từng GV. Bên cạnh đó lại còn có những chủ trương làm ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ GV. Đó là:

1. Xoá bỏ chế độ phụ cấp thâm niên cho GV và cán bộ giảng dạy

Quyết định số 305/CT, ngày 19.12.1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về phụ cấp thâm niên cho GV và cán bộ giảng dạy trong hoàn cảnh nước ta vừa bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ chế độ phụ cấp thâm niên được thực hiện, tuy về giá trị kinh tế chẳng là bao, nhưng nó là sự "tri ân" với những nhà giáo đã cống hiến cho sự nghiệp GD nhiều năm. Thâm niên càng cao, lòng tự hào, tự trọng đối với nghề nghiệp càng cao đã giữ được nhiều GV giỏi ở lại với ngành, không về hưu sớm, không chuyển ngành, bỏ nghề.

Thế nhưng không hiểu vì sao chế độ phụ cấp thâm niên chỉ được thực hiện mấy năm rồi xoá bỏ, trong khi Luật Giáo dục của nước CHND Trung Hoa có hiệu lực từ 1.1.1994, điều 26 đã quy định: "Giáo viên trường trung - tiểu học, dạy nghề được hưởng lương thâm niên và các phụ cấp ngoài lương". Do đặc điểm riêng có của nghề dạy học, nhiều nước có chế độ thâm niên cho GV. Nước ta đã có chế độ thâm niên cho GV rồi, đó là điều tiến bộ, nhưng tạm dừng trong mấy năm qua là một điều đáng tiếc, nay cần phục hồi chế độ ấy ở mức cao hơn, tốt hơn.

2. Xoá bỏ miễn học phí cho ngành sư phạm

Trong lúc nhiều thế hệ HS,SV đã nói: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" thì Nhà nước có chính sách miễn hoàn toàn học phí và ưu tiên cấp học bổng cho SV ở các trường và cơ sở đào tạo GV. Chế độ này đã có tác dụng thấy được là nhiều HS khá giỏi ở nông thôn, gia đình còn nghèo đã tình nguyện dự thi vào sư phạm. Vì nhiều gia đình có con được trúng tuyển vào ĐH lại lo lắng lấy đâu ra tiền cho con đóng học phí. Còn vay nợ mà đi học thì cũng là điều bất đắc dĩ, là giải pháp tình thế, cũng chẳng phải dễ dàng gì.

Từ xưa người ta đã nói: Người đi vay nợ cũng ví như cái bao rỗng, không bao giờ đứng ngay lên được. Thế mà vừa qua các tác giả dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung lại đưa ra quan điểm sửa đổi, thay thế quy định không phải đóng học phí bằng quy định cho hưởng tín dụng đối với SV sư phạm. Đồng thời khi ra trường nếu đối tượng này làm nhiệm vụ giảng dạy, GD trong các cơ sở theo quy định thì không phải hoàn trả khoản vay học phí đó.

Trong phiên họp của UBTVQH vừa qua (8.2009), Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Quy định này có tác động rất lớn đến xã hội. Cần tổng kết việc SV không theo nghề như thế nào để có cơ sở thay thế chính sách này. Hiện nay có nơi còn thừa, nhưng cũng nhiều nơi còn thiếu GV. Ông Hà Văn Hiền - ĐBQH - đề nghị nên giữ như quy định cũ.

3. Thay thế chế độ biên chế nhà nước bằng chế độ hợp đồng với giáo viên?

Tác giả của chủ trương thay thế chế độ biên chế nhà nước bằng chế độ hợp đồng với GV cho rằng: Nếu tuyển GV vào biên chế nhà nước thì họ không còn phấn đấu nữa vì yên tâm đã có việc làm. Thực hiện chế độ hợp đồng để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các GV. Thực tế hiện nay đã có nhiều nơi thực hiện chế độ hợp đồng. Những quan điểm nêu trên không đúng với bản chất và truyền thống của đội ngũ nhà giáo VN. Số người được tuyển vào biên chế rồi không phấn đấu nữa chỉ là số ít, cũng giống như các cán bộ được tuyển vào biên chế nhà nước ở các ngành khác.

Hiện nay có nhiều nơi GV ký hợp đồng giảng dạy hầu hết là các GV trẻ mới ra trường. Họ hy vọng là có chỉ tiêu biên chế sẽ được tuyển vào biên chế nhà nước, kể cả việc họ phải đi đến vùng sâu, vùng xa để dạy học. Tuy nhiên, nhiều người phải theo đuổi cái cảnh hợp đồng hết năm này đến năm khác với mức lương khoảng 500 ngàn đồng/tháng. Đơn cử ở Nghệ An có hàng trăm GV hợp đồng, 10 năm qua đứng lớp đủ giờ, có cả GV chủ nhiệm, làm hiệu phó, hiệu trưởng mà chưa được tuyển vào biên chế...

Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, trước hết phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, đặc biệt là chăm lo về đời sống vật chất để họ có đủ điều kiện tự nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình. Cần có chính sách ưu tiên đầu vào, ưu đãi đầu ra. Trước hết là phục hồi chế độ thâm niên, duy trì miễn học phí và có học bổng nhiều hơn cho SV sư phạm, xoá bỏ chế độ hợp đồng với GV, thực hiện GV trong các trường công lập đều là cán bộ nhà nước như nó đang có trong mấy chục năm qua. Cải tiến chế độ tiền lương, phụ cấp cho GV đủ sống và nâng cao tay nghề của mình đúng như Nghị quyết T.Ư 2 khoá VIII của Đảng đề ra.

Theo Laodong




CÁC TIN KHÁC

• Dừng tuyển sinh nhiều ngành liên kết đào tạo sai phạm (27/08/2009)
• Tuyển sinh 'chui': Đặc cách cấp bằng tốt nghiệp lần nữa (26/08/2009)
• Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục làm rõ nguyên nhân yếu kém (26/08/2009)
• Những ngành “hot,” học phí sẽ tăng kịch trần (25/08/2009)
• Dự thảo đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học: Khả quan (25/08/2009)
• Xây trường 3 tỷ cho... 20 học sinh đến học (24/08/2009)
• “Muốn thuê nhà tôi thì ra gặp bà… hàng nước” (24/08/2009)
• Những điểm mới trong năm học mới (22/08/2009)
• Học phí đại học cao nhất 240.000đ/tháng (22/08/2009)
• Chạy đua xin tăng điểm ưu tiên (21/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd