IP:18.222.98.29

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Hành trình con tôi vào lớp 1
12/09/2009 07:33 AM

Sáu tháng trước đây, khi con tôi còn là học sinh lớp lá, việc có nên cho con học trước chương trình lớp 1 hay không là điều trăn trở, tranh luận của vợ chồng tôi nhiều ngày liền.

Tôi lên mạng tìm kiếm, tham khảo thông tin, đọc tất cả bài viết của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh đi trước về việc này, cuối cùng quyết định là “không cướp mất tuổi thơ của con”.

Trong khi tôi quyết định như thế thì chồng tôi gặp gỡ bạn bè học hỏi kinh nghiệm, xin nhiều ý kiến và âm thầm đăng ký cho bé học lớp luyện vào lớp 1 trước khi báo tôi biết.

Trước sự việc đã rồi và nghĩ chồng mình cũng vì muốn tốt cho con, tôi cố gắng động viên con đi học sau khi vừa ra khỏi cổng trường mẫu giáo và nhiều khi chỉ kịp uống hộp sữa hay ăn một mẩu bánh mì ngọt.

Học được đến buổi thứ ba, tôi vô cùng hoảng hốt và nhận ra sai lầm của hai vợ chồng khi nhìn thấy thần sắc con mình. Vẻ hiếu động, vui tươi, hoạt bát của tuổi thần tiên đã biến đi đâu mất.

Ra khỏi lớp mẫu giáo, đứa bé sợ sệt níu lấy áo mẹ, mặt xám ngắt: “Mẹ ơi, con không đi học thêm nữa đâu, con không biết viết, con sợ cô. Mai mốt con không đi học lớp 1 đâu mẹ ơi”.

Xót con, tôi quyết định chở bé về nhà, không cho bé học trước nữa. Tôi cất quyển vở luyện viết, quyển vở mà chỉ với ba buổi học đã ám ảnh cả vào giấc mơ của con tôi, nhiều khi đang ngủ bé nói mớ: “Con không học lớp 1, con không biết viết...”.

Tôi phải dành một thời gian dài dỗ dành, dắt bé đi chơi, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và cuối cùng là cân nhắc thời gian để trấn an con chuyện vào lớp 1 bằng những câu đại loại: “Hồi đó, mẹ cũng không biết viết, mẹ cũng không biết đọc nên đi học lớp 1 để cô dạy cho mẹ, cô lớp 1 rất hiền...; vì mình không biết viết nên mới đi học cho biết, lúc mới học mẹ viết rất xấu, nhờ cô dạy nên bây giờ mẹ viết đẹp, mẹ biết đọc rồi...”.

Dần dà, bé cảm thấy yên tâm hơn và không còn phản ứng việc đi học lớp 1 nữa. Nhưng với bản năng người mẹ, tôi cảm thấy bé vẫn còn bất an, sự hồn nhiên của con đã vơi đi một nửa.

Nhưng rắc rối chưa kết thúc ở đây, lúc vào lớp 1, bàn tay bé nhỏ của bé run rẩy trong tay tôi khi nhìn thấy cô giáo đứng lớp chính là cô giáo dạy thêm của bé. Thế là, mỗi buổi sáng chuẩn bị cho bé đi học là một cực hình cho cả nhà, bé khóc mếu, mẹ dỗ dành, bố răn đe... đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Và đúng như lo sợ của chồng tôi, đa số các bé trong lớp đều đã được học trước nên con tôi trở thành học sinh cá biệt. Bé viết rất chậm và rất xấu, chữ O nhìn cứ như hình vuông, các nét khuyết thì không được bầu tròn mà như hình tam giác.

Vì vậy, mỗi buổi tối hai mẹ con đều đánh vật “chiến đấu” với bài tập về nhà, với bài viết trên lớp chưa hoàn thành và cả với vở luyện thêm mà cô đặc biệt dành riêng cho học sinh viết còn kém.

Tôi dành tất cả thời gian rảnh cho con, uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn con cách cầm viết, dạy con tư thế ngồi, vị trí để tập... Sau bao nhiêu nỗ lực của hai mẹ con, kết quả là bé được điểm 4 môn viết kèm lời nhắn: “phụ huynh không được viết giùm cháu”.

Sau khi sự sửng sốt lẫn uất ức dịu đi, tôi tìm được lý do để hiểu vì sao cô giáo lại nghĩ thế. Do được mẹ kèm từng chữ, nhắc từng nét và không bị gò ép về thời gian nên bài viết ở nhà của con tôi đẹp hơn bài viết trên lớp rất nhiều.

Tôi tìm gặp cô giáo của con xin được vài phút trò chuyện. Trong khi tôi chưa kịp nói gì thì cô đã phán: “Nói cho chị biết, em này học còn chậm lắm, cả lớp đều đã biết những cái này, chỉ mình nó là chưa biết đó”.

Tôi nhìn theo tay cô, trên bảng là bộ chữ cái và cả những chữ ghép th, kh, nh, tr... Tôi hỏi cô: “Mới đầu năm mà các em đã học đến những chữ này sao cô?”. Như nhận thấy mình đã lỡ lời, cô giáo chữa: “Thì cũng chưa học đến, không biết cũng không sao, nhưng đây là lớp tăng cường tiếng Anh nên tôi muốn mấy đứa biết trước để học tiếng Anh cho dễ...”.

Thấy thái độ của cô giáo đã dịu, tôi trình bày với cô tất cả những gì hai mẹ con đã trải qua, rất mong cô hiểu cố gắng của con trai và hơn hết mong cô hiểu tôi muốn bé được phát triển một cách tự nhiên, đúng với tâm sinh lý cũng như tình cảm của lứa tuổi mà không bị liệt vào danh sách học sinh cá biệt, chậm hiểu...

Sau buổi “trút bầu tâm sự” với cô giáo, tôi thấy tâm trạng con mình khác hẳn, bé không còn khóc khi chuẩn bị đi học nữa, liến thoắng kể chuyện trường, chuyện bạn. Bé còn bắt mẹ phải chào bé bằng tiếng Anh nữa đấy... Tôi thật hạnh phúc!

Theo TuoiTre




CÁC TIN KHÁC

• Hiện trạng phân luồng học sinh sau THPT: Lãng phí (12/09/2009)
• Harvard đánh giá khủng hoảng giáo dục đại học VN (11/09/2009)
• Tăng học phí và con đường đến trường của học sinh nghèo (11/09/2009)
• "Bầu" ứng viên chức danh phó giáo sư không đạt chuẩn? (11/09/2009)
• Đào tạo liên kết: Quản lý chưa đuổi kịp quy mô (10/09/2009)
• Người lớn thiếu giáo dục để làm cha, làm mẹ (08/09/2009)
• Cách dạy trẻ của người Mỹ (08/09/2009)
• Chấm dứt đưa ra chỉ tiêu thi đua không có cơ sở (05/09/2009)
• Teen và mạng xã hội đang tạo ra nhiều từ mới (04/09/2009)
• Bộ trưởng Giáo dục: 'Hai năm tới chấm dứt việc đọc-chép' (03/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd