IP:3.138.36.168

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Tránh họa “rụng” chân cho người tiểu đường
06/10/2009 08:48 AM

Nếu kiểm soát tốt đường huyết và biết cách chăm sóc bàn chân, người bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa được các biến chứng xấu cho chân.

Ở người bệnh tiểu đường, bàn chân rất dễ viêm nhiễm. Các vết thương nhỏ có thể trở thành trầm trọng, thậm chí phải cắt bỏ chân. Một trong những nguyên nhân là các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn và các dây thần kinh bị tổn thương. Nhiễm khuẩn bàn chân rất hay gặp ở người bệnh tiểu đường týp 2 và dễ dẫn đến những tàn phế nặng nề.

Làm sao biết chân tổn thương?

Trong số những người mắc bệnh tiểu đường, đàn ông hay bị tổn thương chân hơn phụ nữ, có thể do phụ nữ chăm chút vệ sinh chân tốt hơn. Có không ít trường hợp bàn chân tổn thương do tiểu đường bất ngờ đứt lìa khi đang đi đứng, nằm ngủ… do người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời. Về nguyên tắc, có thể nhận diện được những tổn thương này qua những dấu hiệu sau:

Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau: ngón chân bị tê, lạnh; đau các khối cơ khi vận động nhiều (chạy bộ, đi bộ nhiều); bàn chân biến dạng, các ngón chân quặp lại, đầu xương ngón chân cụp xuống; tư thế bàn chân trở nên không khớp với giày dép thông thường.

Xuất hiện các cục chai, cứng: ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương gia tăng, mạch ở những nơi này đập mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên.

Loét lòng bàn chân: diễn biến thường từ giảm cảm giác đau, giảm khả năng chịu lực. Kế đó da ở vùng chịu sức ép tiếp xúc dày lên, hình thành bọng nước tại các điểm chịu sức ép. Các bọng nước này khi vỡ ra dễ bị viêm, dẫn đến phá huỷ mô xung quanh, gây hoại tử và làm các vết loét nhiễm khuẩn.

Bàn chân của người bệnh tiểu đường còn có thể bị sưng phù do suy hệ tĩnh mạch và suy tim, làm viêm loét nặng thêm.

Chăm sóc bàn chân đúng cách

Không tuỳ tiện mang giày dép, vớ: Người bệnh tiểu đường không được đi chân không, bất kể trong nhà hay ngoài đường. Nên thay đổi giày dép thường xuyên để làm giảm các vùng chịu lực. Đối với giày mới mua, mỗi ngày chỉ nên đi một ít để quen chân. Mang giày đế bằng, tránh mũi nhọn hay cao gót hoặc có đế cao hơn 2,5cm. Ngoài ra khi mang giày, bắt buộc phải mang vớ, nếu không chính đôi giày sẽ lại gây tổn thương. Nên dùng loại vớ vừa chân, bằng cotton hoặc sợi tổng hợp (không dùng vớ nilông hay loại bằng thun co dãn). Tuyệt đối không đi các loại vớ quá chật, bó sát chân. Luôn đi vớ dài hơn ngón chân dài nhất từ 1 – 2cm để tránh ép chặt bàn chân, gây giảm tuần hoàn máu. Phải luôn đi vớ nếu bàn chân bị lạnh.

Kiểm tra hàng ngày: thường xuyên kiểm tra bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như các vết thương tấy đỏ, sưng phồng; các vết đứt hoặc trầy xước, vết rách da, bầm tím, phỏng rộp, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước... Không chích, lể nếu không đảm bảo vô trùng. Không tự ý cắt các cục chai. Nếu thấy có vết thương cần đi khám ngay.

Giữ da sạch và khô: rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, không ngâm chân lâu quá năm phút. Dùng xà phòng rửa chân loại nhẹ ít chất xút, nhiều chất giữ ẩm da, ít mùi thơm và ít bọt. Xả nước thật sạch để tránh đọng xà phòng gây kích ứng da. Lau khô nhẹ nhàng, không cọ xát mạnh. Chú ý lau kỹ những nơi dễ đọng nước như kẽ ngón chân, móng chân. Không nên tắm nước nóng lâu vì có thể gây bỏng do cảm giác da của người bệnh tiểu đường đã suy giảm (nên tắm nước ấm không quá 35ºC). Khi bị lạnh ban đêm cần mang vớ trước khi đi ngủ. Nếu bàn chân dễ đổ mồ hôi, có thể giữ khô chân bằng các loại phấn thông thường trước khi mang vớ, giày.

Vệ sinh móng chân, vết thương: không cắt móng chân sát thịt quá, không lấy khoé. Với các móng chân dày và biến dạng, cẩn thận khi cắt tỉa. Không tự loại bỏ các nốt chai sần ở chân mà không có bác sĩ giám sát. Khi bị trầy xước da (kể cả lúc cắt móng chân, tay), cần rửa chân sạch bằng xà phòng, thoa dung dịch sát trùng Povidone Iodine, rồi băng lại bằng băng cá nhân hay gạc vô trùng.

Ngoài những cách chăm sóc bàn chân trên, người bệnh tiểu đường nên uống nhiều nước. Cần uống hơn 1,5 lít nước/ngày để bù đắp lượng nước thiếu hụt và giúp da luôn khoẻ mạnh. Không nên hút thuốc lá, vì sẽ làm teo hẹp thêm các mạch máu ở chân vốn đã bị hẹp và xơ cứng lại trong bệnh tiểu đường.

Theo TS.BS Võ Thành Nhân ( Sài Gòn tiếp thị)




CÁC TIN KHÁC

• 19 cách tự nhiên phòng tránh ung thư (05/10/2009)
• Bệnh Viêm Gan A (02/10/2009)
• Cách ăn để giảm lượng calo (01/10/2009)
• Phòng chống cúm H1N1 với thảo dược (29/09/2009)
• Nhận biết dấu hiệu khởi phát đột quỵ não (28/09/2009)
• Những tác hại do điện thoại di động gây ra (26/09/2009)
• Thuốc chữa bệnh từ quả na (25/09/2009)
• Sầu riêng cũng là thuốc chữa bệnh (23/09/2009)
• 10 chứng di truyền tồi tệ nhất của nhân loại (22/09/2009)
• Tàn phế khớp không đợi đến tuổi già (21/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd