IP:3.138.175.10

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Cha đẻ của "Người khổng lồ xanh"
06/08/2009 12:00 AM

Ít ai biết, Thomas John Watson - người khai sinh ra "người khổng lồ xanh" - tên hiệu của hãng máy tính IBM, hồi nhỏ từng là một cậu bé khép kín, rất ít bạn và mắc bệnh hen. Nhưng "kẻ cô đơn" này đã thay đổi số phận, biến mình từ một cậu bé nhút nhát thành một trong những người bán hàng giàu có và vĩ đại nhất thế giới.

Thomas John Watson sinh ngày 17/2/1874 ở Campbell, New York trong một gia đình trung lưu. Bố ông là ông chủ một cửa hàng bán gỗ ở địa phương, khá khó nhọc để lo đủ tiền nuôi sống gia đình. Chính người cha đã dạy cho cậu bé Watson giá trị của một công việc vất vả.

 
Thomas John Watson (cha) (17/2/1874 - 19/6/1956) - người thành lập và cựu chủ tịch của tập đoàn IBM. 

Sau khi học xong phổ thông, Watson làm thầy giáo. Nhưng chỉ sau có 1 ngày, Watson bỏ việc. Thay vào đó, anh chàng Watson trẻ tuổi bị thu hút bởi lớp học kế toán và kinh doanh ở trường thương mại Miller. Watson đăng ký học, sau một năm, dù không hoàn thành khóa học nhưng anh cũng nhận ra lĩnh vực dành cho mình.

Công việc thứ hai của Watson là thủ thư, kiếm được 6 đô la một tuần. Một lần nữa, Watson không cảm thấy yêu thích và gắn bó với nghề. Anh bỏ việc nhanh chóng sau khi trở thành một người bán hàng lưu động. Watson cùng với George Cornwell - cũng là một người bán hàng lưu động, bán đàn organ và piano cho một cửa hàng địa phương.

Sau khi Cornwell không làm nữa, Watson vẫn tiếp tục công việc này, kiếm được 10 đô la một tuần. Anh tiếp tục làm 2 năm nữa cho đến khi nhận ra rằng mình có thể kiểm được hoa hồng là 70 đô la một tuần với những kỹ năng bán hàng thuần thục.

Tuy vậy, Watson vẫn cảm thấy thất vọng với công việc của một người bán hàng. Ông quyết định thay đổi nghề nghiệp và chuyển tới Buffalo. Ở đây, ông bắt đầu bán máy khâu đến từng nhà cho Wheeler và Wilcox. Sau khi tổ chức một buổi bán hàng trong quán rượu, ông phát hiện ra rằng tất cả các trang thiết bị của ông ở bên ngoài như ngựa, xe và sản phẩm đã bị lấy cắp. Và Watson bị sa thải.

Một lần nữa, Watson trở thành người bán hàng cho C.B. Barron. Họ cùng bán hàng cho Buffalo Building and Loan. Watson sử dụng cổ phần lợi nhuận của mình để mở một cửa hàng bán thịt. Một ngày kia, Barron cuỗm toàn bộ số tiền, bỏ lại Watson không một xu dính túi.

Trước khi mất cửa hàng, Watson đã mua được một chiếc máy đếm tiền tại Công ty máy đếm tiền quốc gia NCR (National Cash Register Company). Sau khi thăm công ty để sắp xếp việc thanh toán, ông muốn làm việc cho họ. Ở đây, Watson gặp người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của mình - John Henry Patterson, người sáng lập công ty NCR.

Patterson thuê ông vào làm người bán hàng cho văn phòng NCR tại Buffalo, New York. Hai tuần đầu tiên, Watson không bán được gì. Kết cục là ông bị John Range, chủ đại lý NCR tại Buffalo, mắng mỏ thậm tệ. Sau này Watson kể lại rằng lúc đó ông chỉ đợi cho Range bình tĩnh lại để xin thôi việc. Nhưng sau đó Watson đã không làm thế.

Sau khi mắng Watson một trận, thái độ của Range thay đổi hoàn toàn. Cơn giận dữ của Range cũng biến mất dễ dàng như lúc bùng lên và ông đã ôn tồn an ủi Watson. Range muốn cho Watson đi theo ông để học cách bán hàng trên đường phố. Nhờ thông minh lanh lợi, Watson đã học rất nhanh và sớm trở thành một người bán hàng lưu động thành thạo. Đội bán hàng này chở hàng hoá bằng xe bò, xe ngựa đi bán khắp các đường phố và vùng nông thôn.

Trong một năm, Watson đã trở thành một trong những người bán hàng giỏi nhất miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1899, ở tuổi 25, ông đã bán được nhiều hơn Range và Patterson đã chọn ông phụ trách văn phòng đại lý chi nhánh Rochester của NCR. Ở đó ông kiếm được 35% hoa hồng. Sau khi chiếm lợi thế độc quyền ở vùng này, Watson chuyển tới trụ sở chính của NCR ở Dayton, bang Ohio vào tháng 10/1903.

Được phân công nhiệm vụ làm cho NCR vượt xa các đối thủ kinh doanh, Watson sử dụng các mánh khóe bán hàng vụng trộm để tạo ra lợi thế cho công ty.

Watson thăm dò thông tin về cạnh tranh, dán biển "giám thị" gần các văn phòng. Ông dạy những người làm cùng cách phá hoại các sản phẩm của đối thủ. Ông đe doạ các khách hàng triển vọng của đối thủ bằng cách tố cáo đối thủ vi phạm bản quyền. Thành công của ông nhờ những thủ đoạn này, ngày nay phần lớn đều vi phạm pháp luật, nhiều cách cũng vi phạm pháp luật tại thời điểm đó, và một số cách khiến cho người ta có cảm giác rằng “luật rừng” lớn hơn tất cả các chuẩn mực đạo lý.

Hậu quả là, năm 1912, John H.Patteson, Thomas J.Watson, John J. Range và hơn 20 nhân viên điều hành hàng đầu của công ty NCR đã bị buộc tội vi phạm luật Sherman Antitrust. Ngày 13/2/1913, họ bị tuyên án một năm tù giam ở nhà tù Miami County, mức phạt cao nhất lúc bấy giờ cho tội này và bị phạt mỗi người 5.000 đôla, riêng Patterson bị phạt gấp đôi. Tuy nhiên, tất cả bọn họ đã cầu viện và đều thoát khỏi hình phạt đó. Tất nhiên, Watson đã bị Patterson sa thải.

Cuộc cách mạng máy tính: IBM ra đời

Watson biết rằng ông không chỉ muốn kinh doanh riêng, mà ông hoàn toàn có khả năng làm được điều này. Ông từ chối vài lời mời làm việc, và lựa chọn cách tiếp cận với chuyên gia tài chính Charles Flint, người đã tham gia 3 công ty để tạo ra Công ty Máy tính, máy chữ và ghi âm (Computing, Tabulating, and Recording Company). Flint đưa Watson lên làm chủ tịch mới của CTR .


"Người khổng lồ xanh" - tên hiệu của hãng máy tính IBM bắt nguồn từ Logo
có hai màu xanh và trắng được in trên hầu hết các sản phẩm của họ.

CTR buôn bán các phương tiện thông tin kinh doanh, bao gồm máy chữ và đồng hồ. Mãi cho đến khi chủ tịch của CTR - George Fairchild qua đời, Watson mới quyết định nhận trách nhiệm.

CTR có hơn 400 nhân viên, hầu hết họ đang rất nản lòng, kém hiệu quả và ít bị giám sát. Watson muốn làm cho CTR trở thành một nơi làm việc tốt. Ông bắt đầu đặt ra các thước đo an toàn và lợi ích cho nhân viên, thậm chí trả tiền cho việc giáo dục và tham gia các câu lạc bộ. Watson cũng bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu, đặt cược rằng nhu cầu của tự động hóa và ghi âm rồi sẽ tăng nhanh.

Năm 1924, Watson đổi tên công ty thành International Business Machines. Công ty đã được sửa sang lại của ông đã có những đột phá lớn trong thời kỳ kinh tế suy thoái. IBM không chỉ tồn tại mà nó còn có lợi nhuận từ khi chính sách thương mại mới do chính quyền Tống thống Roosevelt đưa ra. Với Quỹ an sinh xã hội quốc gia mới ra đời, các ông chủ bắt đầu phải theo dõi giờ giấc làm việc của nhân viên. Công ty duy nhất có thể hỗ trợ kỹ thuật cho việc này chính là IBM.

Những thập kỷ tiếp theo, Watson đã mở rộng lực lượng lao động của IBM lên 22 nghìn người. Ông tiếp tục đầu tư nghiên cứu và IBM là một trong những công ty dẫn đầu trong kỷ nguyên máy tính bắt đầu nảy nở.

Năm 1938, Watson đầu tư tài chính cho Howard Aiken, một nhà khoa học ở Havard, người muốn xây dựng máy tính kỹ thuật số. Trong suốt Thế chiến II, công ty của ông đã cung cấp hàng nghìn máy tính giúp cho quân đội Mỹ.


Watson chỉ sử dụng một từ chứ không phải là cụm từ như
của các công ty khác, làm động lực gắn kết toàn công ty.
Từ đó là “Think” (suy nghĩ).

Năm 1949, Thomas John Watson được gọi là chủ tịch danh dự của IBM và ông đã trao quyền điều hành công ty cho con cả của mình, Thomas J. Watson. Theo tính toán của năm 1952, IBM là chủ sở hữu của hơn 90% máy tính trên toàn nước Mỹ.

Một tháng sau khi trao quyền cho con trai, Watson qua đời. Nhưng đó không phải là sự chấm hết đối với công ty. Watson con tiếp tục di sản của cha và đưa công ty đến một cấp độ thành công mới.

Theo Zucca (itgate.com.vn)




CÁC TIN KHÁC

• Bill Gates: Người bỏ học lừng danh (01/08/2009)
• Matsushita Konosuke - Ông chủ “vương quốc” Matshushita (01/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd