IP:3.15.186.78

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Tân sinh viên, những thay đổi sau cánh cửa đại học
29/10/2009 07:43 AM

Đã một thời gian khá lâu kể từ ngày các tân sinh viên bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học. Chừng đó thời gian cũng là bằng ấy những thay đổi về lối sống, về cách học…Có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng không ít sự thay đổi tiêu cực khiến các bậc phụ huynh không khỏi suy nghĩ, lo ngại.

Ảnh hưởng chốn thị thành

Mới vào đại học chưa được 1 học kỳ nhưng giờ nhìn Lan, (ĐH Quốc Gia) - đám bạn học hồi phổ thông không khỏi mắt tròn, mắt dẹt vì ngạc nhiên. Hình ảnh cô học sinh hiền lành, nhút nhát và ít nói đã được thay thế bằng cô sinh viên vui vẻ, hoạt bát và ăn mặc rất phong cách. Có thể nói giờ đây Lan đã hoàn toàn lột xác. Và bạn bè Lan đều chung một nhận định, cuộc sống mới ở thủ đô đã ảnh hưởng đến Lan rất nhiều.

Như rất nhiều học sinh khác, hồi học phổ thông Lan chỉ biết làm thế nào để học cho giỏi, để đậu vào đại học. Hơn nữa bố mẹ cũng lo lắng chu đáo cho cô từ cái ăn, cái mặc cho nên cô cũng không mấy khi quan tâm đến thế giới bên ngoài. Nhưng khi lên Hà Nội học thì khác, cô tự lo mọi thứ và điều đó đã xáo trộn rất lớn đến cuộc sống của cô. Và việc đầu tiên Lan nghĩ đến là phải làm sao thay đổi hình ảnh cho phù hợp với cuộc sống ở chốn thành thị. Cũng chính vì thế mà Lan dần dần ăn mặc phong cách hơn. Trong giao tiếp dần dần Lan cũng thay đổi được tính nhút nhát, ít nói của mình.

Khác với Lan, nhiều bạn học sinh ở tỉnh ngoài khi vào Hà Nội lại bị ảnh hưởng bởi sự phồn hoa của Thủ đô và những thứ mà ở quê các bạn không có. Yến (ĐH Kinh tế) tâm sự: “Không phải đến bây giờ bọn em mới biết ăn mặc sao cho đẹp, cho phong cách. Thật ra hồi ở nhà bọn em cũng rất muốn làm đẹp rồi nhưng ở miền quê nghèo như quê em thì làm gì có khái niệm thời trang. Ra đến Hà Nội, thấy quần áo, giày dép… cái gì cũng nhiều nên bọn em tha hồ lựa chọn quần áo cho hợp thời trang, phong cách của thành thị… và cả hợp túi tiền nữa. Chính vì thế mà mọi người thấy bọn em thay đổi là điều đương nhiên”.

 

Sinh viên rất dễ bị cuốn vào các cuộc chơi điện tử - Ảnh VnMedia

Hòa nhập và... "hòa tan"

Không chỉ bởi ảnh hưởng của chốn thị thành, nhiều tân sinh viên cũng có những thay đổi mà theo như các bạn đó là cách để các bạn dễ hòa nhập với môi trường mới hơn.

Vào học một lớp chỉ có mình là dân miền Trung, còn lại là dân Bắc hết. Chình vì thế mà Tuấn, ĐH Thương Mại quyết tâm luyện nói giọng Bắc để dễ hòa nhập hơn với các bạn. Sau một thời gian thì cậu nói giọng Bắc rất tốt và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi giao tiếp với các bạn. Tuy vậy, việc nói giọng Bắc thường xuyên cũng khiến Tuấn gặp không ít rắc rối.

Vì đã quên giao tiếp bằng giọng Bắc nên khi gặp các bạn bè hồi phổ thông, những người đồng hương Tuấn vẫn cứ bô bô với chất giọng “đặc sệt” miền Bắc của mình. Điều đó đã gây không ít sự khó chịu cho những người đó khi nói chuyện với Tuấn. Việc chưa dừng lại ở đó. Về quê, nói chuyện với anh em, họ hàng, xóm giềng Tuấn vẫn đem giọng Bắc ra nói. Kết quả là bố cậu tức quá và đã mắng cho cậu 1 trận tơi bời.

Không khó khăn trong giao tiếp như Tuấn, nhưng vào học một lớp toàn những bạn gia đình có điều kiện, lại khá sành điệu nên Vân - ĐHDL Đông Đô cũng cảm thấy tự ti. Chình vì thế mà cô quyết tâm thay đổi cách ăn mặc, nói năng để không bị “lạc loài” so với các bạn trong lớp. Và Vân bắt đầu sắm nhiều quần áo đẹp, dùng đồ hiệu. Cách ăn nói, cử chỉ, đi lại cũng làm sao cho giống với các bạn. Chưa hết, mới vào đại học được mấy tháng mà Vân đã gọi điện về nằng nặc đòi bố mẹ phải mua cho cô một chiếc xe tay ga bởi lý do đơn giản là: “Lớp con bạn nào cũng có cả rồi”.

Vân cứ thế mà thay đổi dần. Và khi đã “ở 1 đẳng cấp khác”, Vân dần ít giao du với các bạn học hồi phổ thông. Các bạn đó cũng thấy Vân thay đổi nhiều quá nên cũng đã dần ít qua lại. Hệ quả là bây giờ, đám bạn mới của Vân là những người chỉ biết rủ đi chơi bời, mua sắm…

Những cạm bẫy “chết người” ở Thủ đô

Đậu vào đại học Bách khoa với số điểm gần tuyệt đối, Đức trở thành niềm tự hào và hi vọng của gia đình, họ hàng. Thế nhưng đến giờ, khi kỳ thi học kì bắt đầu diễn ra thì Đức vẫn chưa biết mình được thi môn gì, thi lúc nào. “Biết để làm gì, thi cũng có qua được đâu” Đức đã nói với tôi như vậy khi mắt đang dán vào cái màn hình máy tính để chơi “Võ lâm truyền kỳ”

Hồi học phổ thông, Đức được bạn bè đặt cho biệt danh là “Người máy”. Mọi thứ với cậu như được lập trình sẵn, chỉ biết ăn và học. Kết quả là những năm cấp 3 cậu học rất giỏi. Vào đại học, được xếp ở cùng phòng kí túc xá với mấy còn nghiện điện tử khóa trên, chẳng mấy chốc Đức cũng trở thành “con thiêu thân” cho trò chơi này. Cuối cùng cậu thay hẳn những buổi lên lớp, học trên giảng đường bằng những buổi chơi game và đắm mình trong thế giới ảo. Bạn bè cũ giờ gặp Đức cũng không tin nổi vào mắt mình trước sự thay đổi quá nhanh chóng của Đức. Cậu bạn chỉ biết ăn và học ngày nào giờ nói chuyện chỉ toàn nói về điện tử và sặc mùi kiếm hiệp, bang phái võ lâm.

Không nghiện điện tử như Đức, nhưng thú chơi lô đề cũng đã khiến lần nhập học vào học viên Tài chính năm nay là lần thứ 3 Việt trở thành tân sinh viên.

Ở cả 2 lần trước, lần lượt là trường ĐH Ngân Hàng và ĐH Dược, Việt đều phải dời trường sớm vì lí do nợ tiền lô đề và bị chủ đề báo với nhà trường. Lần thứ 3 này mặc dù cậu đã hứa với bố mẹ là sẽ chuyên tâm học hành để “lấy được bằng” nhưng có vẻ mọi chuyện cũng chưa đâu vào đâu. Thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 của Việt khi nói chuyện với chúng tôi đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối trước những thay đổi của Việt. Theo lời thầy thì trước khi vào đại học, Việt là 1 học sinh chăm ngoan, rất thông minh và nhiều triển vọng.

Không chỉ điện tử, lô đề mà còn nhiều thứ khác như bài bạc, cá độ…cũng là những thứ khiến nhiều tân sinh viên, đặc biệt là những sinh viên tỉnh ngoài dễ mắc phải. Việc chưa thích nghi được với môi trường mới cộng với việc rời xa sự quản lí của bố mẹ, được giao tiền tự chi tiêu…là những đặc điểm khiến các tân sinh viên ngoại tỉnh dễ bị lôi kéo vào những cạm bẫy chết người đó.

Thay đổi để dễ hòa nhập và phù hợp với cuộc sống sinh viên là một điều cần ở các tân sinh viên. Thế nhưng thay đổi những gì, thay đổi như thế nào…đó là điều mà mọi tân sinh viên cần hướng tới. Cánh cửa đại học chỉ mới mở ra và muốn sau đó là ánh sáng thì phụ thuộc rất nhiều vào các tân sinh viên khi họ chọn cho mình được đường đi đứng đắn, sự thay đổi hợp lý nhất.

Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• Học sinh giỏi cũng… khổ (28/10/2009)
• Nền giáo dục Thụy Điển tiên tiến nhất thế giới hiện nay? (27/10/2009)
• Trẻ biết cãi mới... ngoan? (26/10/2009)
• Khó đòi hỏi đủ chuẩn mới đào tạo(!?) (24/10/2009)
• Trường khen 'heo' béo, lớp khen bé ngoan! (23/10/2009)
• ĐH kém chất lượng: Con hư tại mẹ! (22/10/2009)
• Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH (21/10/2009)
• Mở trường dễ dãi: Bộ thanh tra trường, ai thanh tra Bộ? (20/10/2009)
• Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng (19/10/2009)
• Bằng cấp có thể hiện năng lực? (17/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd