IP:52.15.238.221

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Khi sự tinh tế cắp nón ra đi...
29/03/2010 08:26 AM

Đây là một cách nhìn của một nhà giáo đồng thời cũng là người Hà Nội gốc. Chuyện nữ sinh đánh nhau và ngang nhiên quay hình ảnh xấu xa đó tung lên mạng, chúng ta nên quy lỗi cho ai?

Bắt cả nền văn hóa từ chức?

Thời xưa, để chỉ bằng một nét cũng đủ diễn tả hình ảnh người con gái Hà Nội, thì đã có câu nói "cọng giá cắn làm đôi". Cô gái Hà Nội xưa được hình dung có vóc dáng mảnh mai, ăn uống nhỏ nhẻ như mèo, chưa ra đường mà chỉ ở trong nhà cũng ăn mặc lịch sự, còn lời ăn tiếng nói thì hết sức dịu dàng, trang nhã, nền nã.

Riêng chuyện ăn mặc chẳng hạn, thì đến các chị hàng rong cũng mặc thứ áo dài tứ thân đã tạo dáng cho áo dài Lemur những năm Thơ Mới thời họa sĩ Lê Phổ. Chiếc áo dài của chị hàng rong và cô gái Hà Nội chỉ khác nhau ở chất vải. Còn thái độ người mặc áo thì cả hai đều như nhau, cái thái độ đúng mực để không người lạ mặt nào ở ngoài đường dám sàm sỡ với các cô.

Vào thời đó hoàn toàn không thể có và không bao giờ có chuyện ông xe ôm ghếch chân trên càng xe, tay ngừng nhổ râu, hất hàm nói trống không với cô gái đi đường "Xe ôm không em, anh chở?"

Một hiện tượng như vậy so với hình ảnh cô gái cọng giá cắn đôi trong quá khứ chỉ có thể dẫn ta tới ý nghĩ: Cái tinh tế Hà Nội đã cắp nón ra đi từ lâu rồi.

Đổ lỗi cho ai hoặc cho cái gì cũng đều không thỏa đáng.

Có một thời sục sôi cách mạng, Independence or Death ("Độc lập hay là Chết"), thì "giặc đến nhà đàn bà phải đánh". Không chỉ ra trận, mà chính sự việc ra trận khiến cái bình đẳng thoát khỏi hình hài một khẩu hiệu để trở thành một sức mạnh vật chất hiện thực. Vậy, cái gì sau khi chiến đấu thắng lợi đã đẩy người đàn bà trở về vị trí của những "em ơi..."? Dĩ nhiên, trong việc này, dù đàn bà có phạm sai lầm, ta cũng không thể dựa vào đó mà bắt chị em phải từ chức!

Vậy chẳng nhẽ lại bắt cả nền văn hóa phải từ chức? Hay là bắt pháp luật từ chức? Hay là bắt cả xã hội, bắt toàn dân từ chức?

 Không thể bắt cả xã hội từ chức, song ai ở địa hạt nào, xin hãy thử tự vấn coi.

Khi nhìn vào nền giáo dục đương thời, ta chỉ cần đặt ba câu hỏi này rồi sẽ cùng lần lượt xét đoán:

Trẻ em sáu tuổi đã nói sõi, đã hoàn toàn là người Việt Nam về vốn ngôn ngữ, thả vào đời chỉ bằng vốn ngôn ngữ đã có cũng đủ sống: Vậy trong 12 năm học ròng rã, các em cần học những gì và đã được học những gì?

Hãy nhìn vào những cuốn sách giáo khoa và câu trả lời hiện ra ngay lập tức: Các cháu đã chẳng học được bao nhiêu điều cho tương lai. Các cháu có biết thảo luận không? Có biết tìm xung đột và cùng nhau giải quyết xung đột không? Có biết chỉ dùng ngôn ngữ thôi mà "tổ chức" lại được cái xã hội có những kẻ cao tuổi bất cần đời bạ đâu cũng gọi các cháu (ngay cả khi đã lớn) bằng "em ơi, ôm không?"

Trẻ em như được đào tạo hôm nay tại trường phổ thông liệu có đủ sức trở thành nguyên liệu đầu vào cho hệ thống học nghề không? Các em có đủ trí tuệ và tinh thần kỷ luật để thực sự tham gia vào guồng máy công nghiệp để công nghiệp hóa đất nước không? Một đống nguyên liệu thô như thế liệu sau khi đem trộn với hàng tấn vàng hoặc được vay mượn bằng vài trăm triệu đô-la, liệu chúng có đủ sức làm thành những trường đại học chuẩn mực quốc tế không?

Trẻ em như cung cách chúng đang sống hôm nay, còn những người lớn chúng ta nếu dửng dưng với vận mệnh đất nước, liệu có dạy các em thành những người sống xả thân vì nước không?

Liệu trẻ em có được dạy thực - học thực - sống thực?


Có bao nhiêu trẻ em biết là hiện nay ở mười tỉnh xung yếu chúng ta đã cho thuê hơn 300 nghìn hecta đất rừng và cho thuê hẳn trong 50 năm, nghĩa là thời gian đủ để em bé lớp 12 năm nay thành những cụ già 70 tuổi thì mới hết hạn cho thuê (để nối sang kỳ hạn cho thuê mới), chờ đợi con cháu các học trò này cũng lụ khụ 70 không còn đất để lao động và để sống.

Không thấy một nhà giáo dục nào làm những thống kê thực chứng xoay quanh đề tài đó. Bản thân nhà giáo hờ hững như vậy, trách gì con trẻ chẳng để thời gian rảnh rỗi đi đánh nhau và quay phim rồi tung lên mạng chơi?

Xã hội, và người lớn chúng ta đang có lỗi lớn, đó là không dạy cho thế hệ trẻ sống đời sống thực.

Thứ nhất là việc làm. Thì đấy, thí dụ như vụ cho "thuê rừng" đang ầm ĩ cả nước, vì chỉ có người mất trí mới không nghĩ được rằng 50 năm "cho thuê" là một thời hạn dài ngang với cuộc thách thức xin lấy con gái vua với điều kiện dạy được cho khỉ biết nói trong cổ tích.

Thứ hai, giáo dục và người lớn chúng ta đang dạy những chuyện trên trời dưới biển đâu đâu, không dạy cho tuổi trẻ nhìn thẳng vào thực tiễn đất nước, nói những lời mà chính người lớn có khi cũng không tin là sẽ thành hiện thực.

Và còn lại những tấm lòng trung trinh, thì có câu hỏi: Cái tinh tế thanh lịch Thủ đô ngàn năm đã đội nón ra đi. Biết bao giờ trở lại thời hoàng kim xưa, khi ăn thì cọng giá cắn đôi, và khi ra đường các cô gái không bao giờ bị hất hàm hỏi "Ôm không, hử?"

Theo TuanVietNam




CÁC TIN KHÁC

• Học sinh nhí “kinh doanh” (26/03/2010)
• Sự lựa chọn (20/03/2010)
• Bạn sẽ trưởng thành hơn nhưng không chắc sẽ khôn ngoan hơn (19/03/2010)
• Không phải lúc nào cũng nên nói thật (18/03/2010)
• Tâm lý hám lợi, không làm mà hưởng (17/03/2010)
• Đua nhau cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Ai làm khổ ai? (11/03/2010)
• Sống có mục tiêu (08/03/2010)
• Đừng tự khép chặt cánh cửa đời mình! (06/03/2010)
• 1 + 1 lớn hơn 2 (05/03/2010)
• Học làm... người già (04/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd