IP:3.128.199.88

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Y khoa trên trời!
19/04/2010 10:50 AM

Khi khám bệnh, nhiều bác sĩ chỉ chăm chăm vận dụng sách y khoa nhưng quên hỏi môi trường sống của bệnh nhân. Do đó, người bệnh đi qua nhiều thầy thuốc mà bệnh vẫn còn!

Anh bạn sáng hôm trước vừa đến phòng khám của tôi còn rất trẻ. Phải chật vật lắm anh ta mới được phép nghỉ việc buổi sáng để khám bệnh vì lý do mất ngủ từ nhiều tháng, từ khi rời ghế trường đại học vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Anh này trước đó đã được điều trị qua mấy thầy thuốc có tiếng với chẩn đoán nghe rất “chuyên khoa” như suy nhược thần kinh, phân liệt cá tính, trầm cảm... Anh vẫn chưa ngủ được ngon giấc. Cũng dễ hiểu vì mất gì may ra còn kiếm lại được, chứ mất ngủ thì hầu như khó tìm, trừ khi lạm dụng thuốc an thần để rồi sau đó lại mất ngủ vì... thuốc và vì tiền mua thuốc!

Khó theo hướng dẫn

 

Không phải ai cũng có phòng ngủ riêng để bác sĩ khuyên đem tivi ra ngoài - Ảnh: QUÂN NAM

Người bệnh sau ít phút đắn đo đã cho tôi xem một bản in sẵn bao gồm nhiều lời dặn về cách phòng chống mất ngủ, có lẽ của ai đó dịch từ bản tin trên Internet, để hỏi về cách áp dụng.

Bản tin có nội dung như sau:

- Phòng ngủ của bạn không được quá nóng hay quá lạnh, tốt nhất là khoảng 18OC. Không thấy nói bệnh nhân nếu đang sống dưới mái tôn bốc lửa phải làm sao!

- Phòng ngủ không được nằm sát con đường để tránh tiếng động với cường độ hơn 40 decibel thừa sức phá giấc ngủ. Phải làm sao để trong phòng ngủ thậm chí không nghe tiếng tích tắc của đồng hồ. Không thấy tác giả đề nghị giải pháp nếu nhà bên cạnh xem truyền hình hay nghe cải lương đến gần sáng với cường độ âm thanh đủ cho cả xóm cùng nghe!

- Phòng ngủ phải tối gần như hoàn toàn và nên có màn dày che cửa sổ. Cũng không thấy nói nếu phòng nóng như thiêu mà đóng cửa sổ kéo màn thì làm sao tránh cảnh bị “đút lò” đến sáng. Đó là chưa kể nhà đối diện rọi đèn pha suốt đêm vì đang tranh thủ đào móng xây nhà lầu giữa đêm khuya.

- Cần tấm nệm cho đúng, không quá cứng cũng không quá mềm. Tốt nhất là nệm latex với hai mặt, một cho mùa hè, một cho mùa đông. Đừng quên thay nệm mới tối thiểu mỗi năm năm một lần. Khéo hơn nữa là nhờ chuyên gia về trang trí nội thất phòng ngủ tư vấn việc dùng nệm. Bản tin chỉ quên đề cập là nếu “người tiêu dùng” chỉ có manh chiếu trên tấm ván thì sao?

- Không được để đồ bề bộn trong phòng ngủ vì bao bì, túi xách, sách báo gây ảnh hưởng trên vô thức khiến giấc ngủ bị xáo trộn. Đừng bày biện lung tung trên sàn nhà. Cần có tủ đóng kín để đừng treo quần áo trong phòng ngủ hầu tránh ảnh hưởng bất lợi của phong thủy. Chỉ không hiểu là nếu căn nhà nhỏ xíu như hộp quẹt thì đồ thường dùng biết bỏ ở đâu?

- Giường ngủ theo đúng phong thủy hơn nữa nếu đầu giường không kê sát tường. Cũng không nên có cửa sổ sau lưng. Không nên có gương soi mặt trong phòng ngủ. Tác giả chỉ quên trường hợp bệnh nhân nằm dưới đất, thậm chí không có phòng ngủ!

- Tất cả trang thiết bị điện tử không được có mặt trong phòng ngủ, từ máy vi tính cho đến máy truyền hình. Giường ngủ phải cách ổ cắm điện tối thiểu 50cm. Chỉ dùng phòng ngủ để... ngủ! Nếu cần điện thoại, lên mạng phải dùng phòng khác để tránh tự gây rối loạn nhịp sinh học. Tác giả chỉ quên mách nước phải làm sao nếu gia chủ thậm chí không có phòng nào khác ngoài phòng ngủ, kể cả nơi ăn!

Quên chuyện đời

Điều đáng nói là người bệnh tuy đã qua tay nhiều thầy thuốc nhưng chưa thầy nào hỏi thăm về gia cảnh bệnh nhân. Nếu thầy thuốc có thêm ít phút cho người bệnh, ắt đã hiểu anh này đang chật vật kiếm cơm để nuôi đàn em ăn học dưới quê.

Anh ta đang ở trọ trong căn phòng rộng không đến 8m2 với nhiệt độ bên trong gần như lò bánh mì giờ cao điểm, với nhà bên cạnh là quán karaoke vặn nhạc inh ỏi đến gần 3 giờ sáng rồi nhường lời cho xe tải vào thành phố cho kịp chợ đầu mối. Với nỗi lo nội tâm, nỗi khổ ngoại cảnh, anh này muốn ngủ được thẳng giấc chắc chỉ trừ khi... hôn mê!

Đáng tiếc chỉ ở điểm không ít thầy thuốc thường quá chú trọng vào trang sách y khoa mà quên chuyện ngoài đời.

Theo TuoiTre




CÁC TIN KHÁC

• Ngày càng nhiều người trẻ phải chạy thận nhân tạo (08/04/2010)
• Thức ăn vặt cũng có thể gây nghiện như ma túy (31/03/2010)
• Sự thật về tác hại của sóng điện thoại (27/03/2010)
• Vì sao không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi? (23/03/2010)
• Tuyệt đối không rung lắc trẻ dưới 2 tuổi (20/03/2010)
• Tùy tiện như “ăn gì bổ nấy” (19/03/2010)
• Ăn gì bổ nấy - phi khoa học (18/03/2010)
• Cách chữa trị thoát vị đĩa đệm cột sống (17/03/2010)
• Bệnh nhân tim Việt Nam được điều trị bằng tế bào gốc (13/03/2010)
• Chỉ số thông minh không liên quan thể tích não (12/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd