IP:3.149.232.87

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Vệ sĩ của con
03/06/2010 06:00 AM

Sau những vụ bạo hành xảy ra ở các trường học, chị Mai ở Phú Nhuận giật mình. Con chị cũng đã bị thầy cô nhắc nhở vì hay chọc phá bạn bè. Họp hội phụ huynh lần nào giáo viên cũng báo cho chị biết, nhưng công việc bận rộn, chị không để tâm đến.

Nhưng ngay sau hôm xảy ra vụ bạo hành của học sinh Trường THPT Lê Lai, quận 8, TP.HCM khiến một học sinh phải nhập viện, chị đã tức tốc chạy vô trường con học, gặp giáo viên chủ nhiệm và nhờ cô giúp chị gặp những đứa bạn thường bị con trai chị “làm phiền”.

Giờ ra chơi chị đã gặp riêng hai đứa bạn của con, đó là Minh và Nhật. Chị ân cần hỏi han việc học của hai em, sau đó hỏi xem Huy, con chị, đã “chọc phá” chúng thế nào. Minh và Nhật như được dịp nói ra ấm ức. Bao nhiêu lần hai em đã bị Huy giựt tóc, thọc lét, giẫm lên chân... Chị Mai đã thay mặt con xin lỗi hai bạn và còn dặn dò: “Mai mốt Huy còn như thế, các cháu gọi cho cô nhé, đây là số điện thoại của cô”.

Về nhà, chị hỏi con: “Tại sao con lại giựt tóc, thọc lét hai bạn ngồi bàn trên con?”. Huy trả lời: “Tại ngồi trong lớp học, con buồn ngủ lắm, chọc mấy bạn cho hết buồn ngủ”. Chị Mai hỏi tiếp: “Tại sao con buồn ngủ? Con không thích môn học đó, hay do con thiếu ngủ?”. “Con không biết, cứ đến giờ học buổi chiều là con buồn ngủ. Buổi trưa nghỉ ở trường nóng lắm, con không ngủ được”. “Nếu thế từ mai con phải đi ngủ sớm hơn một tiếng đồng hồ, vô lớp nếu vẫn buồn ngủ, con nên xin cô ra ngoài rửa mặt cho tỉnh. Không được chọc phá bạn. Con thử nghĩ xem, nếu bạn ngồi dưới cũng chọc phá con như vậy, con có chịu được không?”.

Chị Mai không tin con mình sẽ không phá bạn nữa, nhưng chị yên tâm hơn, ít nhất chị cũng có thêm “ba đồng minh” là cô giáo và hai người bạn của con, họ sẽ giúp chị kiểm soát những hành vi của con trên lớp. Hai bạn Minh và Nhật nếu có muốn “trả thù kẻ chọc phá” mình chắc cũng phải nể mặt chị.

Một câu chuyện khác

Sáng nay vừa phụ vợ dọn hàng tạp hóa ra bán, anh Hải nhận điện thoại Nam gọi về với giọng hốt hoảng: “Ba ơi, chạy vô trường cứu con, phe thằng Tân vừa đón đường đánh con”. Anh Hải chỉ kịp la lớn để vợ nghe: “Con vừa bị bạn đánh trong trường học, tôi chạy vô coi sao”. Nói rồi anh quơ vội chiếc nón bảo hiểm và rồ máy xe, tức tốc chạy tới trường học của con.

Lòng anh nóng như lửa đốt, đoạn đường từ nhà tới trường chỉ non cây số mà sao xa đến vậy. Mấy hôm nay có nhiều vụ bạo hành trong trường học, có em bị ba bốn bạn xúm lại đánh đến ngất, phải vô bệnh viện cấp cứu, làm anh Hải càng thêm lo lắng.

Vô tới trường, vừa gặp con anh đã la to: “Thằng nào đánh con?”. “Thằng này nè ba”. Nam chỉ Tân đang đứng chơi gần đó. Anh Hải nhào tới, tát vô mặt Tân, thằng bé bị đánh bất ngờ , ngã nhào xuống sân trường, chảy máu mũi. Nam thấy vậy, nắm tay anh Hải kéo lại: “Ba đừng đánh bạn ấy”. Các bạn học sinh khác cũng la lên, bảo vệ nhà trường chạy tới can ngăn.

Ngay sau đó anh Hải phải vào phòng Ban giám hiệu làm tường trình. Nhà trường đã mời công an và phụ huynh của Tân đến “giải quyết hậu quả”. Anh Hải phải xin lỗi cha mẹ Tân và cam kết với công an “không tái phạm lần nữa”.

Bước ra khỏi sân trường anh Hải mới thấy mình giận quá mất khôn, ai lại đi đánh một đứa trẻ, dù nó đã đánh con mình. Hành động đó thật thấp hèn. Về tới nhà, anh thấy con cũng không đồng tình với việc làm của cha. Nam nói: “Ba kỳ quá, sao ba đánh bạn ấy. Ngày mai con vô lớp, chắc các bạn không ai chơi với con nữa. Mai mốt có chuyện gì con không cho ba hay”.

Cùng là “vệ sĩ” của con, cùng bảo vệ con, nhưng cách giải quyết vấn đề của hai bậc phụ huynh trên hoàn toàn khác nhau và kết quả cũng khác nhau: chị Mai tìm được sự yên tâm, còn anh Hải thì làm cho vấn đề càng thêm rắc rối.

Theo HuongNghiep




CÁC TIN KHÁC

• Dạy con biết nói thật để đi học xứ người (25/05/2010)
• Hậu quả của giàu xổi (24/05/2010)
• Vì sao giáo dục đụng đâu... dở đó? (20/05/2010)
• Những 'công nghệ' tạo giáo sư độc đáo (17/05/2010)
• Sinh viên “nội”, “ngoại” và cuộc chiến việc làm (12/05/2010)
• Ừ thì nhà tôi nghèo! (04/05/2010)
• Bố mẹ có bằng đại học, con cái xuất sắc hơn? (28/04/2010)
• Nhìn từ những lãnh đạo "nhí" (26/04/2010)
• Xác định chỗ đứng thích hợp với bản thân (21/04/2010)
• "Quái chiêu" kiếm tiền của học trò (13/04/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd