Sinh viên ĐHQG TPHCM tham gia sàn giao dịch chứng khoán ảo năm 2009. Ảnh: Hữu Nghĩa
|
Điểm chuẩn giảm rõ nhất là ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Một số ngành học khối A của trường rớt khoảng hai điểm so với mức điểm chuẩn năm 2008 như: điện tử viễn thông (19 điểm xuống còn 17 điểm), nhóm ngành công nghệ thông tin (20 điểm xuống 18 điểm). Ngành địa chất từ mức 15 điểm rớt xuống bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT (13 điểm).
Tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), hàng loạt ngành học khối A đều có mức điểm chuẩn giảm rõ rệt so với năm 2008, trung bình 1 - 2 điểm. Tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành bị rớt điểm chuẩn nhiều nhất là kỹ thuật hệ thống công nghiệp (từ 17 điểm xuống 15 điểm).
Mùa tuyển sinh này cũng chứng kiến sự rớt giá rõ rệt của ngành từng hot nhất trong các mùa tuyển sinh vừa qua: công nghệ sinh học. Ngành này tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) giảm từ 25 điểm (2008) xuống còn 21 điểm (2009).
Tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành này còn có mức điểm chuẩn rớt nhiều hơn nữa: khối A giảm từ 20 điểm xuống 17 điểm, khối B từ 25 điểm xuống 18 điểm.
Ngành công nghệ sinh học (khối B) tại ĐH Nông lâm TPHCM luôn là ngành chủ lực và thu hút thí sinh giỏi thi vào, cũng giảm từ 20,5 điểm xuống 20 điểm.
Sự rớt giá này còn kéo theo giảm sút điểm chuẩn của ngành sinh học. Tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành này giảm từ 24 điểm xuống 21 điểm, còn tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) giảm từ 19,5 điểm xuống còn 15 điểm.
Một ngành hot khác trong các mùa tuyển sinh vừa qua là tài chính - ngân hàng cũng giảm nhiệt. Năm nay, tại một số trường, ngành này tuy vẫn là chủ lực nhưng có mức điểm chuẩn thấp hơn các năm trước. Tại Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn của ngành giảm từ 22 điểm (2008) xuống còn 18 điểm (2009).
Ngữ văn khối C tại các trường ĐH khối xã hội nhân văn luôn là ngành then chốt, cũng giảm điểm chuẩn rất nhiều. Tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành văn học giảm từ 19,5 điểm (2008) xuống 18 điểm (2009). Ngành văn học và ngôn ngữ (khối C) tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia TPHCM) còn giảm nhiều hơn: từ 17,5 điểm (2008) xuống 14 điểm (2009).
Liên tiếp "rớt giá"
Thí sinh thi vào ĐH Kinh tế TPHCM năm 2009
|
Thực tế cho thấy, mùa tuyển sinh nào, một số trường, ngay cả trường có thương hiệu mạnh, cũng đều có một số ngành ế ẩm. Nhiều ngành học liên tục không tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng thí sinh đăng ký vào quá ít.
Những ngành thuộc về khối ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh) tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia TPHCM) hoặc ĐH Sư phạm TPHCM là ví dụ.
Những ngành như ngữ văn Đức, ngữ văn Trung, ngữ văn Pháp, song ngữ Nga - Anh (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn) chỉ lấy mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT (14 điểm) hoặc Sư phạm (SP) tiếng Pháp, SP song ngữ Nga - Anh, SP tiếng Trung Quốc hay cử nhân song ngữ Nga - Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật (ĐH Sư phạm TPHCM) đều lấy mức 19 điểm (nhân hệ số hai môn thứ ba).
Hàng loạt ngành học tại ĐH Nông lâm TPHCM chỉ lấy bằng ở mức điểm sàn: cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm, khối A các ngành bảo vệ tài nguyên rừng, cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp…
Nhiều trường khối ngành giao thông vận tải liên tiếp nhiều năm qua đều không tuyển đủ thí sinh vào một số ngành học thì năm nay tình hình cũng không khả quan.
Các ngành như xây dựng đường sắt - metro, thiết bị năng lượng tàu thủy, quy hoạch giao thông, cơ giới hóa xếp dỡ cảng, đóng tàu và công trình nổi… tại ĐH Giao thông vận tải TPHCM đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. So với năm 2008, các ngành này đều giảm mức điểm chuẩn từ 1 - 3,5 điểm.
Cơ hội cho ngành "rớt giá"
Với những ngành học giảm điểm chuẩn tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), thí sinh đều có cơ hội để xét tuyển NV2 vào trường.
Cụ thể, mức điểm xét tuyển NV2 vào trường sẽ là: 19 điểm (nhóm ngành CNTT- 50 chỉ tiêu, công nghệ sinh học khối B – 20 chỉ tiêu), 18 điểm (công nghệ sinh học khối A – 20 chỉ tiêu, điện tử viễn thông – 70 chỉ tiêu), 16 điểm (sinh học – 50 chỉ tiêu).
Trong khi đó, ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) lấy mức điểm xét tuyển NV2 là 15,5 điểm với 60 chỉ tiêu.
Điểm xét tuyển NV2 của các ngành rớt giá tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia TPHCM) lấy cao hơn điểm chuẩn 1 điểm. Điểm chuẩn NV1 cũng lại chính là điểm xét tuyển NV2 cho các ngành khối Ngoại ngữ tại ĐH Sư phạm TPHCM.
Những ngành học có mức điểm chuẩn bằng điểm sàn tại ĐH Nông lâm TPHCM lại lấy mức điểm xét tuyển NV2 cao hơn điểm chuẩn NV1 từ 0,5 - 1 điểm. Trong khi đó, mức điểm chuẩn bằng điểm sàn của các ngành học tại ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng là mức điểm xét tuyển NV2 của các ngành này.
Theo lãnh đạo các trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, những ngành thí sinh ít quan tâm như đóng tàu và công trình nổi, cơ giới hóa xếp dỡ cảng, cơ khí nông lâm, cảnh quan và kỹ thuật hoa viên… chính là những ngành mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực. Đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tới tấp gửi về trường và luôn dành sẵn chỗ làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành này sau khi ra trường.
Hay chính như ngành song ngữ Nga - Anh tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐHQG TPHCM), sinh viên học trong năm năm và sẽ thông thạo cả hai ngoại ngữ này. Các công ty Nga đặt trụ sở tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn và nhân lực của trường không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo Tiền Phong
CÁC TIN KHÁC
|