Trước khi xảy ra cơn đau đầu thường có các dấu hiệu báo trước, đôi khi rất rõ ràng làm cho người bệnh biết mình sắp bị lên cơn. Ngoài cơn đau đầu, người bệnh cảm thấy hoàn toàn bình thường. Migraine có thể diễn biến nhẹ, nhưng cũng có nhiều trường hợp gây nên những biến chứng đột quỵ não (nhồi máu não hay xuất huyết não).
Vì sao mắc bệnh? Người ta nói nhiều đến yếu tố di truyền trong Migraine. Nếu cả bố và mẹ đều bị Migraine thì 70% số con sẽ có nguy cơ bị Migraine. Không thể chỉ rõ được nguyên nhân của căn bệnh này, nhưng có thể chỉ rõ những yếu tố khởi phát và những yếu tố liên quan đến Migraine.
Hầu hết các bệnh nhân Migraine đều có yếu tố khởi phát. Các yếu tố này có thể đơn độc hoặc phối hợp với nhau:
- Yếu tố tâm lý; Yếu tố nội tiết; Yếu tố môi trường; Yếu tố giác quan; Yếu tố dị ứng.
- Một số loại thuốc cũng có thể làm khởi phát cơn đau nửa đầu như thuốc giãn mạch Nitroglycerin, một số thuốc nội tiết tố, đặc biệt là thuốc tránh thai.
Ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi khác cho sự khởi phát của Migraine như: mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên, tăng huyết áp hay chấn thương sọ não.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng cơ bản là đau nửa đầu thành từng cơn nhưng biểu hiện cụ thể của từng bệnh nhân lại rất đa dạng với những biểu hiện chung như sau:
Tiền triệu: bệnh nhân thường có các dấu hiệu báo trước xuất hiện một vài giờ hay một vài ngày trước khi xuất hiện cơn Migraine. Các dấu hiệu tiền triệu hay gặp là rối loạn tiêu hóa (chán ăn, chướng bụng, đầy hơi hoặc đôi khi lại ăn rất ngon miệng) kèm theo với những thay đổi về khí sắc như trầm cảm, lo âu, buồn rầu, mất ngủ, bồn chồn; bệnh nhân rất dễ bị kích thích và cáu gắt vô cớ. Người bệnh có thể biết được những triệu chứng báo hiệu gần như là quen thuộc của mình và có thể dùng các thuốc ngăn chặn không cho cơn xuất hiện.
- Cơn đau đầu: Xuất hiện kịch phát thành cơn dữ dội. Xuất hiện đau đầu một bên (đau nửa đầu); đôi khi đau đầu có thể xuất hiện luân hồi từ bên nọ lại chuyển sang bên kia. Trong cơn đau, bệnh nhân có cảm giác đau nặng đầu rất khó chịu, đôi khi đau theo nhịp mạch. Cơn đau thường bắt đầu nhẹ, sau đó tăng dần và thường đạt cực điểm sau khoảng nửa giờ. Cường độ đau từ âm ỉ, lan tỏa nhẹ nhàng đến đau dữ dội hoặc rất dữ dội; sau khi đạt cực điểm, triệu chứng đau sẽ giảm dần, lan tỏa và thường kèm theo tăng cảm da đầu. Thời gian của mỗi cơn đau kéo dài trung bình từ 4 – 12 giờ (nếu không được điều trị).
- Các triệu chứng kèm theo: hay gặp nhất là nôn đi kèm theo đau đầu, tăng nhạy cảm với các kích thích giác quan (sợ ánh sáng, sợ tiếng động mạnh, nhạy cảm với mùi – vị); người bệnh rất dễ bị kích thích và cáu gắt.
- Giai đoạn lui cơn: đau đầu thường giảm đi sau khi bệnh nhân nôn hoặc giảm dần trong ngày. Thông thường bệnh nhân phải ngủ được mới hết cơn, ngủ càng sâu thì càng nhanh hết cơn đau đầu.
- Giai đoạn sau cơn (kéo dài một vài giờ): người bệnh thường đi tiểu nhiều, mệt mỏi, trạng thái bồn chồn khó tập trung tư tưởng.
Điều trị Migraine
Migraine có nguồn gốc di truyền, do vậy cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để, cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng cơn nhằm các mục tiêu làm giảm tần số, cường độ, thời gian và các triệu chứng kèm theo của cơn đau.
- Thuốc điều trị cắt cơn đặc hiệu cổ điển là ergotamin tartrat viên 1mg. Đây là một ancaloid có tác dụng mạnh nhất của cựa lúa mạch có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch – phù hợp với cơ chế bệnh sinh của Migraine. Thuốc thường được dùng bằng đường uống hoặc đặt dưới lưỡi liều 1 viên, nhắc lại sau 30 phút nếu không đỡ. Tuy nhiên vì thuốc co mạch nên không dùng được ở những bệnh nhân có viêm tắc động mạch, các bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu cục bộ (như thiểu năng động mạch vành, hội chứng Raynaud) và những người đang mang thai. Đối với những cơn Migraine nhẹ và mới, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như aspirin, paracetamol hay một số thuốc chống viêm không steroid như alaxan, diclofenac, profenid…
- Điều trị dự phòng cơn Migraine:
Chỉ định khi bệnh nhân có ít nhất 2 cơn đau trong một tháng hoặc trường hợp có cơn đau dữ dội xuất hiện đột ngột kịch phát. Thuốc hay dùng là dihydroergotamine viên 1mg hoặc Tamik viên 3mg. Thời gian dùng phải kéo dài ít nhất 6 tháng (có thể tới 1 năm). Ngoài ra cần kết hợp các phương pháp điều trị khác như thay đổi tập quán sinh hoạt, tránh các tác nhân có thể gây nên cơn, điều trị vật lý trị liệu kết hợp với tập luyện dưỡng sinh… sẽ góp phần nâng cao hiệu lực của thuốc, đôi khi có thể thay thế không cần dùng thuốc.
Theo SKĐS