Wikipedia, một trong 10 trang phổ biến nhất trên mạng, được hình thành như bước thử nghiệm, tạo ra một bách khoa toàn thư mở do nhiều người tình nguyện đóng góp.
Cho đến nay, phiên bản tiếng Anh của Wikipedia đã có hơn 3 triệu bài viết. Thế nhưng, theo Hiệp hội Wikipedia, tổ chức phi lợi nhuận quản lý trang web, có trụ sở đặt tại San Francisco, đã đến lúc cần “kiềm chế” sự phát triển vượt bậc này.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc ném mọi thứ lên mạng và đứng xem nó phát triển ra sao. Đã có thời gian cộng đồng mạng khá vị tha, có thể bỏ qua những thông tin chưa chính xác hay không hợp thời. Nhưng ngày nay, những sai sót đó sẽ không nhận được nhiều sự cảm thông như trước”, Michael Snow, luật sư ở Seattle và là Chủ tịch của Ủy ban Wikipedia, nhận định.
Jimmy Wales người sáng lập Wikipedia ý thức, từ điển bách khoa trực tuyến của ông
là hệ thống cung cấp thông tin cho mọi nguời trên thế giới
Việc thay đổi này xuất phát từ việc các lãnh đạo của Wikipedia nhận ra rằng, trang web ngày càng có ảnh hưởng và họ cần biến thứ văn hóa hỗn tạp hiện nay thành một thứ trưởng thành và độc lập hơn.
Trước khi áp dụng cơ chế quản lý mới, việc đưa thông tin sai lệch vào Wikipedia là không khó, ít nhất trong một thời gian ngắn. Ví dụ trong tháng 3 vừa qua, một sinh viên người Ireland đã lên đưa một đoạn trích dẫn sai về nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Jarre, ngay sau khi ông qua đời.
Một số tờ báo như The Guardian và The Independent của Anh đã lấy lại thông tin sai lệch này trên các bài báo của mình. Hay như vụ việc vào ngày 20/1, những kẻ cố ý phá hoại đã thay đổi hai bài viết về các thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy và Robert C. Byrd, rằng hai ông đã qua đời.
Theo những người ủng hộ việc thay đổi, cơ chế mới sẽ không cho phép những trò lừa đảo trên có cơ hội diễn ra, đồng thời tăng cường độ chính xác một cách toàn diện cho các bài viết của Wikipedia.
Các thành viên trong hội sáng lập dự định áp qui định mới này vào các bài viết về tiểu sử của những người còn sống trước tiên bởi đó là các đối tượng dễ bị tấn công và những thông tin sai lệch về họ sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều người.
Tính năng mới đòi hỏi đội ngũ biên tập tình nguyện, có kinh nghiệm, đủ khả năng thẩm định các thông tin và thay đổi nếu cần thiết trước khi công bố rộng rãi. Cách thức quản lý chia người đóng góp cho Wikipedia thành hai tầng, những người biên tập tin cậy, có kinh nghiệm và số còn lại. Như vậy, có nghĩa là đã thay đổi quan niệm ngầm của Wikipedia rằng tất cả mọi người đều có quyền sửa chữa các bài viết như trước kia.
Đối với một số người biên tập tích cực của Wikipedia, việc “giậm chân tại chỗ” này cũng không quá đáng buồn, bởi sau rất nhiều bài viết đã lên trang thì sẽ có ít chủ đề để khai thác hơn và những chủ đề mới cũng không mấy thu hút người tìm kiếm.
“Đây là một phép thử. Chúng tôi sẽ rất vui khi nhận được nhiều câu hỏi như quá trình duyệt những thay đổi này mất bao lâu? Liệu nó sẽ chỉ mất vài phút, vài ngày, hay thậm chí là nhiều tuần? Chúng tôi thực sự trở thành một phần của hệ thống cung cấp thông tin cho mọi người trên thế giới. Đây là một trách nhiệm lớn lao, mà chúng tôi hết sức coi trọng.”, Jimmy Wales, người sáng lập Wikipedia khẳng định.
Theo ITGate
CÁC TIN KHÁC
|