Trẻ, khỏe vẫn biến chứng khi nhiễm cúm
Ông Kính cho biết: Ngày 6/9, có 2 bệnh nhân đã nhập Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia với các dấu hiệu suy hô hấp, bị viêm phổi nặng và diễn tiến rất nhanh chóng.
Người trẻ, khỏe nhiễm cúm cũng có thể chết như thường nếu không phát hiện,
điều trị sớm. (Ảnh minh họa: Phạm Hải)
Theo ông Kính, những triệu chứng trên rất giống với cúm H5N1 nhưng khi xét nghiệm, kết quả lại cho thấy bệnh nhân đã nhiễm cúm A/H1N1.
“Như vậy, ngay cả với người có sức khỏe hoàn toàn bình thường cũng có thể nhiễm cúm A/H1N1 và có biến chứng rất nhanh, nếu không phát hiện sớm, không được điều trị kịp thời sẽ tử vong”, ông Kính nói.
Cả 2 bệnh nhân trên đều còn rất trẻ, một người 19 tuổi, một người 26 tuổi, không có bệnh mãn tính, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Sau khi được các bác sĩ ở viện nỗ lực cứu chữa, trợ thở bằng máy, hiện tình hình sức khỏe sau 2 ngày điều trị của 2 bệnh nhân này đã ổn định và có khả năng được cứu sống.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin thêm: “Ở Thái Lan đã có 160 người chết vì cúm A/H1N1. Trong số đó, có từ 30 tới 40% số người tử vong đều là những người trẻ, khỏe mạnh”.
Chỉ trong vòng 5 ngày trở lại đây, Việt Nam đã ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1. Trước tình hình này, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn tỏ ra lo ngại và yêu cầu Cục quản lý khám chữa bệnh cần nhanh chóng lập các đoàn kiểm tra vào TP.HCM và Đồng Nai để kiểm tra lại toàn bộ từng hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân đã tử vong để từ đó rút ra những bài học trong chẩn đoán và điều trị, phục vụ công tác phòng chống dịch lâu dài về sau.
“Riêng trường hợp bệnh nhân 9 tuổi tử vong cần phải được xem xét đặc biệt kỹ lưỡng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dần chuyển người dân sang tự giám sát
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lo lắng: “Mỗi ngày có tới trên 150 ca nhiễm mới. Như vậy, viện không thể đáp ứng khả năng xét nghiệm”.
Người dân cần tự giám sát sức khỏe bản thân và người trong gia đình,
nếu có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất,
tránh để bệnh lâu dẫn đến biến chứng gây tử vong. (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)
Theo bà Hạnh, nếu ngành y tế tiếp tục “dàn sức” như hiện nay sẽ khó có thể đủ điều kiện (con người, thời gian, sức lực) để chú trọng được những ca bệnh đặc biệt, những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao.
Do đó, bà Hạnh đề xuất: “Người dân cần được hướng dẫn kỹ càng, chi tiết hơn nữa để có thể tự giám sát cho mình và cho người thân, làm sao khi có dấu hiệu là họ sẽ có khả năng nhận biết và báo cho cơ sở y tế. Cơ sở y tế sẽ xử lý, điều trị. Như vậy, vừa tăng tính chủ động cho cả 2 bên, vừa giảm tải cho cả 2 bên".
Bà Hạnh cho rằng điều này sớm muộn cũng sẽ phải thực hiện vì sắp tới là mùa đông, dịch sẽ tràn lan mạnh hơn.
Theo Vietnamnet
CÁC TIN KHÁC
|