Nhiều phụ huynh không đồng ý với các khoản thu "khó hiểu" đầu năm nhưng không dám nói vì... tế nhị (ảnh minh hoạ). |
Nếu các trường cứ làm đúng quy định nhà nước thì dư luận cũng chẳng có gì phải rối lên. Đằng này, nhiều trường cứ tự tiện đặt ra các khoản thu ngoài quy định rồi tìm cách luồn lách. Có trường "đẩy" những khoản thu nặng sang hội phụ huynh, biến thành đóng góp "tự nguyện".
Đối với khoản thu xây dựng trường, Chính phủ đã chỉ đạo ngừng, nhưng nhiều trường vẫn dám "lách" để thu cho bằng được. Không ít trường thu ngay lập tức gần cả chục triệu đồng trên đầu mỗi học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh còn phải lo tiền mua đồng phục, cặp vở... theo yêu cầu của từng trường.
Không phải phụ huynh nào cũng đủ khả năng lo nổi cho con em những khoản đóng góp quá nặng nề theo kiểu "đồng tiền đi trước" như thế. Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có khoản bao cấp dành cho giáo dục và ở VN cũng thế. Thậm chí, Nhà nước còn có những khoản đầu tư chăm lo cho vùng sâu, vùng xa, cho hộ nghèo... để tạo điều kiện cho trẻ em được học hành đầy đủ.
Thế nhưng, do tình trạng lạm thu mỗi nơi một kiểu, việc đi học phổ thông - vốn là nhu cầu bình thường trong xã hội - bị biến thành gánh nặng cho từng gia đình. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh bỏ học ngày càng tăng.
Ngay trong hệ thống trường công lập, cơ sở vật chất là của Nhà nước, những người làm quản lý, điều hành hệ thống là công chức, viên chức nhà nước, nhưng vẫn cứ thu tuỳ tiện, không theo quy định. Vậy thì trách nhiệm đối với sự nghiệp "trăm năm trồng người" được đặt ở đâu?
Vấn đề nằm ở chỗ, từ trước đến nay vi phạm về lạm thu xảy ra đã nhiều nhưng không bị xử lý, hoặc chỉ bị xử lý lẻ tẻ và nhẹ nhàng. Đã đến lúc ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần xử lý thích đáng - nhất là những trường hợp lạm thu quá nặng, để làm gương. Có như vậy mới lập lại trật tự cho năm học mới.
Theo Laodong
CÁC TIN KHÁC
|