IP:18.218.108.24

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Giáo dục kỹ năng sống: Cần một giáo trình căn bản
29/09/2009 07:59 AM

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xem xét đưa môn kỹ năng sống lồng ghép vào chương trình giảng dạy đang được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, công tác giảng dạy còn thiếu giáo trình chuẩn

Từ nhiều năm nay, các nước trên thế giới đã đưa môn học giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học ở bậc tiểu học. Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng đã xuất hiện loại hình này song chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Chương trình đổi mới phương pháp dạy học của ngành giáo dục được coi là lấy học sinh là trung tâm nhưng cũng chưa đáp ứng được những vấn đề liên quan đến kỹ năng sống.

 

Một giờ thực hành trong lớp học kỹ năng sống. (Ảnh: A.T)

Học sinh thiếu kỹ năng sống

Những năm gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, xuất hiện những vụ án giết người, cố ý gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh và nạn nhân chính là bạn học và thầy cô giáo của họ. Bên cạnh đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, uống rượu, tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục sớm..., thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống.

Nhiều em học giỏi, nhưng ngoài điểm số cao, khả năng tự chủ và kỹ năng giao tiếp lại rất kém. Các em sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí liều lĩnh từ bỏ cả mạng sống…

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém... Các em không được dạy để hiểu về giá trị của cuộc sống.
Thực tế, việc giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có kỹ năng sống, ở nước ta còn rất hạn chế. Nhà trường vẫn còn quan niệm dạy học là dạy kiến thức chứ chưa dạy các em thái độ, kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ (với con người, với môi trường thiên nhiên...).

Trong khi đó, các giáo viên đến lớp chỉ mỗi việc đọc cho học sinh chép, hết giờ thì ra khỏi lớp. Giáo viên chủ nhiệm, cả tuần cũng chỉ có một tiết sinh hoạt lớp. Thày, cô giáo chủ nhiệm, được giao phụ trách học sinh nhưng với không có thời gian nắm tình hình của từng em.

Em Hoàng Tùng, học sinh lớp 11 trường THPT Trương Định cho biết, trong các buổi sinh hoạt lớp cô chủ nhiệm chỉ là xem tuần qua lớp có vấn đề gì, ai đi học muộn, trốn tiết…

Ngoài ra, việc xử lý “thiếu tình, thiếu lý” một số vụ việc của thầy, cô giáo không làm cho học sinh (nhất là học sinh cá biệt) “tâm phục, khẩu phục”. Vì vậy, khi “có vấn đề”, học sinh cá biệt thường tìm cách trốn tránh, nếu phải đối diện thì tỏ thái độ bất cần.

Với các em có vấn đề rắc rối về gia đình hoặc bản thân, thầy cô cũng chỉ biết láng máng qua cô giáo lớp cũ hay các bạn trong lớp nói lại. “Những thông tin này nhiều khi do cảm tính, dẫn đến cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm, kéo dài khoảng cách thày, trò”, em Tùng nói.

Các chuyên gia cho rằng, đó là một khiếm khuyết rất lớn trong giáo dục và đào tạo học sinh. Chúng ta mới chỉ nghiêng về đào tạo mà coi nhẹ phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Giáo trình nào dạy kỹ năng sống ?

Nắm bắt nhu cầu xã hội, hàng loạt các trung tâm, khoá học dạy kỹ năng sống đua nhau “mọc lên như nấm sau mưa”. Có thể kể đến Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường đội Lê Duẩn, Trung tâm ABS Training, Eveil, Skids Club...

Các trung tâm này, chiêu sinh đủ mọi lứa tuổi, thậm chí, có khoá học chiêu sinh trẻ ở tuổi lên... ba! Mức học phí cũng đủ mức, tuỳ theo các chương trình, các khoá học: từ 5 buổi/tuần hay từ 1 đến 2 năm…

Lớp học giáo dục kỹ năng sống tại Trung tâm ABS Training (Hà Nội) dạy các em biết giới thiệu về bản thân và gia đình mình trước đám đông, thích và không thích điều gì, nói về khó khăn của mình với bố mẹ, người thân… “Chúng tôi dạy cho các em các cách giao tiếp với người lạ, cách tự bảo vệ mình”, TS Trần Bội Lan, Trung tâm ABS Training cho biết.

Điều đáng nói ở đây là mỗi nơi dạy kỹ năng sống theo một cách, mà cách đó phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Nói một cách khác, họ thuê được giáo viên ở đâu (Viện Tâm lý, chuyên viên tâm lý, giảng viên ĐH...) thì học sinh sẽ được dạy kỹ năng sống theo góc nhìn của giáo viên đó, chứ không dựa trên một giáo trình cơ bản nào.

Tại Trường đội Lê Duẩn, nơi được coi là “chuẩn” về dạy kỹ năng sống. Trong 6 ngày học tập trung tại đây, các em cũng cũng chỉ được học một số kỹ năng như giới thiệu, làm quen, thuyết trình... với chi phí 180.000 đồng/ngày.

Hầu hết, nội dung các chương trình học vẫn nặng về thuyết, kết hợp hỏi - đáp, giống như sinh hoạt chuyên đề tập thể hơn là thực hành để rèn luyện hay sở hữu kỹ năng. Gần đây, có thêm một số công ty dạy kỹ năng sống nhưng nội dung vẫn chỉ loanh quanh ở các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, MC…

“Giáo trình giảng chủ yếu dựa vào giáo trình của các nước khác, chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện xã hội và thuần phong mỹ tục của Việt Nam”, Bà Nguyễn Thị Cúc, Chuyên gia lớp học kỹ năng sống Hà Nội cho hay.

Cần chương trình giáo dục phù hợp

 Thực tế, chương trình giáo dục kỹ năng sống được ngành giáo dục triển khai từ rất lâu theo phương pháp lồng ghép trong các môn học như đạo đức, giáo dục công dân, văn học…

Thông qua dự án “Giáo dục sống khoẻ mạnh, kỹ năng sống cho trẻ và vị thành niên”, với sự hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam, từ năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Gia Lai, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang.

Các em được rèn luyện kỹ năng ứng phó với những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống như: phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, sức khoẻ sinh sản, vấn đề quan hệ tình dục sớm…

Dự án khá thành công, hình thành thái độ tích cực của học sinh đối với việc xây dựng cuộc sống khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần, hiểu biết về xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh để họ chủ động trong việc truyền thụ kiến thức kỹ năng cho con em mình. Tuy nhiên, những chương trình như thế này chưa nhiều.

Xã hội ngày càng phát triển, giáo dục kỹ năng sống là việc hết sức quan trọng. Giáo dục kỹ năng sống cần bắt đầu từ tiểu học, thậm chí là ở tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này đã hình thành những hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách.

Tuy nhiên, khi kỹ năng sống chưa được xem như một môn học chính thức trong nhà trường, các cơ quan chức năng cũng nên sớm có những tài liệu cơ bản về môn học này, góp phần giúp các trung tâm, phụ huynh hiểu thấu đáo về môn học này.

Tiến sỹ Trần Văn Dần, trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, bây giờ mới đưa vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ra thảo luận là muộn. Nhưng dù muộn cũng cần phải xây dựng một giáo trình căn bản dựa trên mục tiêu chung từ lớp 1 đến lớp 12.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục kỹ năng sống, theo tiến sĩ Dần, trước hết cần điều tra hiện trạng hiểu biết của học sinh, qua đó xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Về mặt nội dung giảng dạy, cần có nhiều giải pháp, áp dụng cụ thể cho từng lứa tuổi…

Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• "Trồng người" ở Úc: Trẻ em tự quyết (28/09/2009)
• Rút kế hoạch đào tạo tiến sĩ (26/09/2009)
• Điểm kém không có nghĩa là 'dốt' (25/09/2009)
• Nhầm lẫn đến duy ý chí (23/09/2009)
• Cần tiến sĩ "lòng tin của nhân dân" (22/09/2009)
• Khái niệm "tiến sĩ" đã bị hiểu sai (21/09/2009)
• 'Điều thần kỳ' trong cải cách giáo dục ở Bulgaria (19/09/2009)
• Lớp trưởng... kiểu Đức (18/09/2009)
• Học ngoại ngữ để... thu nhập cao (18/09/2009)
• Giáo dục Đức: Cách ươm mầm cho tiến bộ xã hội (18/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd