IP:3.139.234.48

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ: Cha mẹ đau đầu, thầy cô bất lực
09/10/2009 08:36 AM

Năm học mới chính thức khai giảng mới hơn 1 tháng, bên cạnh những nỗi lo thường thấy của những phụ huynh có con bước vào lớp 1, không ít người làm cha, làm mẹ mới phát hiện ra con mình có những biểu hiện bất thường như hiếu động thái quá, luôn kém tập trung, mơ màng...

Rất có thể, những đứa trẻ đó đã mắc chứng tăng động giảm chú ý (TĐGCY).

"Con tôi nghịch không chịu nổi"!

Chị H.G - một phụ huynh học sinh - thực sự lo lắng khi chỉ trong vài tuần lễ đầu năm học đã được cô giáo của con trai mời đến gặp vài lần. Lý do là cậu con trai học lớp 1 của chị luôn mất tập trung và không hiểu mình phải làm gì trong giờ học, dù cô giáo đã hướng dẫn rất cụ thể.

Theo lời kể của cô giáo, cậu trò nhỏ vẫn ngồi yên, không nghịch ngợm như các bạn, nhưng lại hầu như không bao giờ hoàn thành được một phép tính đơn giản trong thời gian cho phép. Khi các bạn ra chơi, cháu ngồi tại chỗ, tưởng tượng cây bút là siêu nhân để... nói chuyện. Cô giáo yêu cầu chị H.G tìm hiểu xem con mình có bất mãn hay muốn chống đối lại giáo viên không (?!).

Ngược với con trai của chị H.G, cháu L.N - con gái anh M.Đ và chị T.H, đang học lớp 2 một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội - lại quá hiếu động. Từ cuối học kỳ 2 năm lớp 1, thỉnh thoảng L.N xé sách vở của bạn, nói nhiều và đặc biệt là hay bắt chước những hành động của người khác. Nhiều khi bị phạt, L.N còn nhại và trêu cô giáo.

Tuy nhiên, theo nhận xét của cô giáo thì L.N rất thông minh, tiếp thu nhanh, luôn hoàn thành bài tập trước các bạn. Anh M.Đ và chị T.H dường như quá mệt mỏi với sự nghịch ngợm, bướng bỉnh của con gái. Anh chị không hiểu tại sao sống trong gia đình nền nếp, bố mẹ luôn nghiêm khắc, nhưng con mình vẫn có thái độ mà theo mọi người đánh giá là "lếu láo".

Đến đầu năm học này, anh chị quyết định xin chuyển cho L.N sang lớp khác có cô giáo nghiêm hơn. Song, chỉ sau 2 tuần đầu tiên của năm học, anh chị đã 3 lần phải đến trường theo yêu cầu của cô giáo, chưa kể gần như tối nào cô giáo cũng gọi điện đến nhà thông báo tình trạng phá phách của cô con gái. Có một điều mà vào thời gian này, anh M.Đ và chị T.H mới phát hiện ra là L.N đặc biệt hay quậy phá vào những ngày nắng nóng.

Lớp học 25 - 30 học sinh thì có 1 học sinh mắc chứng TĐGCY

Mang nỗi lo của phụ huynh hai cháu trên đến trao đổi với các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), chúng tôi được biết, có thể các cháu đã mắc phải chứng TĐGCY. Đây là biểu hiện của TĐGCY, nhưng để chính xác cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Chứng TĐGCY là một bệnh thường gặp ở một số trẻ lứa tuổi mẫu giáo và những năm đầu bậc tiểu học; trẻ hiếu động với những dấu hiệu bất thường về hành vi - nguyên nhân do rối loạn chứng năng di truyền chứ không phải do dạy dỗ kém.

Có 2 triệu chứng đặc trưng của chứng TĐGCY mà phụ huynh và giáo viên cần có sự chú ý đặc biệt nếu thấy con em, học sinh mắc phải:

Thứ nhất là thiếu tập trung chú ý, trẻ thường dễ bị phân tán bởi các hình ảnh, tiếng động từ bên ngoài; thường khó khăn trong việc tập trung chú ý vào các chi tiết và mắc các lỗi cẩu thả. Ngoài ra, trẻ hiếm khi tuân thủ hướng dẫn một cách cẩn thận, thường xuyên để mất hoặc quên đồ chơi, sách vở, dụng cụ cần thiết cho học tập và thường bỏ dở hết việc này đến việc khác.

Triệu chứng thứ hai là tăng động và xung động. Có nghĩa trẻ luôn có cảm giác bồn chồn, ngọ nguậy chân tay hoặc ngồi ngọ nguậy trên ghế; chạy lung tung, leo trèo hoặc rời khỏi chỗ ngồi lúc được yêu cầu phải ngồi yên một chỗ. Trẻ cũng hay nói buột miệng ra câu trả lời trước khi nghe hết toàn bộ câu hỏi... Nếu các hành vi này xuất hiện từ rất sớm trước 7 tuổi và kéo dài ít nhất 6 tháng thì phải nghi ngờ mắc chứng TĐGCY.

Thông tin từ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, trên thế giới, ước chừng có từ 3 - 5% số trẻ em bị TĐGCY, tương đương với lớp học từ 25-30 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc TĐGCY. Rất nhiều trẻ bị bệnh không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị đúng.

Chứng TĐGCY được miêu tả lần đầu tiên bởi bác sĩ Heinrich Hofman năm 1845. Trẻ mắc TĐGCY thường dại dột, xung động, dễ bị tai nạn, có vấn đề về kỷ luật do thiếu tôn trọng các quy tắc. Các quan hệ xã hội thiếu kìm chế, thiếu thận trọng nên không được trẻ khác thừa nhận và dễ bị cô lập. Trẻ mắc TĐGCY sẽ suy giảm chức năng nhận thức, vận động, ngôn ngữ, dẫn đến suy giảm chức năng học tập nghiêm trọng.

 Theo Laodong




CÁC TIN KHÁC

• Cảm lạnh hay cảm cúm? (08/10/2009)
• Giảm 30% khẩu phần ăn giúp tăng trí nhớ (07/10/2009)
• Tránh họa “rụng” chân cho người tiểu đường (06/10/2009)
• 19 cách tự nhiên phòng tránh ung thư (05/10/2009)
• Bệnh Viêm Gan A (02/10/2009)
• Cách ăn để giảm lượng calo (01/10/2009)
• Phòng chống cúm H1N1 với thảo dược (29/09/2009)
• Nhận biết dấu hiệu khởi phát đột quỵ não (28/09/2009)
• Những tác hại do điện thoại di động gây ra (26/09/2009)
• Thuốc chữa bệnh từ quả na (25/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd