Thẩm định trên… giấy
Trả lời báo chí về việc mở ngành, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo quy định hiện hành, việc thẩm định các điều kiện mở ngành đào tạo không nhất thiết phải tiến hành tại cơ sở đào tạo, mà có thể chỉ kiểm tra hồ sơ.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2368/QĐ-BGDĐT ngày 9/5/2007 thì quy trình mở ngành đào tạo sẽ tiến hành theo 4 bước chính bao gồm: tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, thẩm định hồ sơ và khảo sát tại trường (nếu cần) và cuối cùng là quyết định mở ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, để được đăng ký mở ngành các trường phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo. Có ít nhất một giảng viên trình độ tiến sĩ và 2 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ ĐH và có ít nhất 2 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở ngành đào tạo trình độ CĐ.
Ngoài ra, phải có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập. Có các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, phòng học ngoại ngữ, xưởng thực hành và các phần mềm đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Thư viện của trường có đủ giáo trình, tập bài giảng của môn học, học phần theo yêu cầu của ngành đào tạo…
Hàng loạt quy định vậy mà Bộ GD-ĐT chỉ có thể thẩm định trên… giấy thì thử hỏi độ chính xác, tin cậy sẽ ở mức bao nhiêu?
Thanh minh về vấn đề này, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - từng bộc bạch, những trường hợp mở ngành “đặc biệt” thì Bộ cũng đi thẩm định thực tế. Chẳng hạn như một trường chuyên đào tạo các ngành về sư phạm lại muốn mở sang thêm các ngành kỹ thuật.
Nói như vậy thì việc thẩm định thực tế (nếu có) thì cũng chỉ diễn ra đối với các trường ĐH, CĐ đã thành lập lâu năm còn đối với các trường mới thành lập thì Bộ GD-ĐT lại thả nổi?
Ký tay phải, thanh tra tay… trái
Khi xuất hiện những vụ “lình xình” liên quan đến mở ngành, mở trường thì Bộ GD-ĐT khá khẩn trương trong việc thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên sự thanh tra, kiểm tra đó chỉ là cuộc thăm hỏi nội bộ giữa những “đứa con” và “người cha” đẻ ra nó. Đây chính là điều kì lạ của giáo dục Việt Nam khi mà cơ quan ký quyết định mở ngành sau đó tự đi thanh tra và đưa ra kết luận mà không có đại diện của các cơ quan giám sát tham gia.
Có lẽ chính vì thế mà hầu như các cuộc thanh tra đều được triển khai rất nhanh và kết quả luôn là một bản báo cáo với kết luận “đủ điều kiện”.
Ông Trần Văn Chiến, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT khi được hỏi “vì sao trong đoàn thanh tra lại bao gồm những người có liên quan đến việc thẩm định hồ sơ mở trường, mở ngành”, đã hồn nhiên trả lời: “Có người từng tham gia thẩm định đi kiểm tra cũng tốt để nhìn nhận, đánh giá lại xem cái gì trường đã làm đúng cam kết, cái gì chưa làm, phải rút kinh nghiệm”.
Với hình thức thanh tra này thì chẳng lạ gì khi kết luận được đưa ra luôn là “đủ điều kiện” và mức xử lý cao nhất của Bộ GD-ĐT đối với các trường vi phạm là nhắc nhở, khiển trách hoặc cao hơn là xử phạt hành chính mà thôi.
Theo DanTri
CÁC TIN KHÁC
|