IP:18.116.14.111

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Phòng cúm từ rau, củ, quả
07/08/2009 07:36 AM

Tỏi, kinh giới, tía tô, dừa, lê... là những loại rau, củ, quả có tác dụng phòng chống cảm cúm

Cảm cúm thường xảy ra quanh năm, đặc biệt mùa đông – xuân. Đông y cho rằng cảm cúm là cảm nhiễm phong hàn hoặc phong nhiệt. Có nhiều bài thuốc, cây thuốc nam quanh nhà, quanh vườn có tác dụng phòng chống cảm cúm.

- Củ tỏi: Có vị cay nóng, có tác dụng kháng sinh mạnh, có thể tiêu diệt được virus cúm.

Ăn tỏi hằng ngày bằng cách nuốt 2-3 tép tỏi tươi sau các bữa ăn. Khi để nguyên tép tỏi, một số hoạt chất trong tỏi không bị phá hủy bởi dịch vị.

Dùng dịch tỏi pha loãng nhỏ mũi đã là một bài thuốc kinh nghiệm được dùng phòng chống cúm tại các cơ sở y tế ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Làm dịch tỏi bằng cách nghiền 1 tép tỏi, pha loãng với 20 ml nước cất hoặc huyết thanh mặn đẳng trương, hằng ngày nhỏ mũi 1-2 lần


Tỏi, tía tô, kinh giới là vị thuốc phòng chống cúm. Ảnh: M.T

- Kinh giới: Có vị cay, tính ôn, có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông huyết mạch. Thường dùng trị cảm sốt, cảm cúm, trị bệnh sởi (dùng sống), hạ ứ huyết, chỉ huyết (sao cháy).

Kinh giới tươi 50 g, gừng sống 10 g. Giã nát, vắt lấy nước uống, dùng bã đánh dọc sống lưng.

Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương, các vị lượng bằng nhau, sắc nhiều lần, cô thành cao đặc, viên bằng hạt bắp. Ngày uống 7-8 viên, trẻ con 2-4 viên.

Có thể dùng kinh giới, sả, tía tô, bạc hà, lá bưởi, lá chanh, ngải cứu, lá tre, lá gừng... mỗi thứ một nắm nhỏ, đun sôi, xông trong 5-10 phút.

- Tía tô: Trong y học cổ truyền Trung Quốc, tía tô được dùng như một vị thuốc trị cảm cúm, nhức mỏi, ho suyễn, để tạo hưng phấn... Theo đông y, tô diệp vị cay, tính ấm vào 2 kinh phế, tì, có tác dụng trừ cảm lạnh, làm ra mồ hôi, giúp hô hấp, giúp tiêu hóa, giải độc thức ăn do cua, cá.

Cháo tía tô: gạo tẻ 20 g – 30 g, nấu thành cháo, khi chín cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ và 1-2 lòng đỏ trứng gà, khuấy đều, ăn khi cháo còn nóng cho ra mồ hôi.

Tô tử (hạt tía tô) 6 g - 12 g, la bạc tử (hạt cải củ) 8 g – 12 g, bạch giới tử 6 g – 8 g (hạt cải bẹ trắng), sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này có tác dụng chữa ho đờm do ngoại cảm phong hàn (viêm đường hô hấp).

Lá tía tô 3 g – 5 g, vỏ quýt 3 g, đem sắc lấy nước uống trong ngày.

- Dừa tươi: Uống nước dừa tươi mỗi ngày 1 lít - 2 lít, có thể pha thêm chút muối ăn. Bài thuốc này có tác dụng chống rối loạn nước và điện giải hay gặp trong cảm cúm. Ngoài ra, hằng ngày có tác dụng điều trị chứng viêm nhiệt, háo khát, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu ít và đỏ.

- Quả lê: Theo tài liệu cổ, quả lê có vị ngọt, hơi chua, tính lạnh, không độc, vào các kinh phế, vị. Có công dụng nhuận phổi, tiêu đờm, giáng hỏa...

Lê tươi 100 g cắt vụn, cho nước vào nấu nhừ, vắt bỏ bã, nước đem cô đặc thành cao lỏng, thêm một ít đường phèn vào trộn đều cho đủ ngọt, chia làm 3 - 4 lần uống trong ngày sẽ mau khỏi ho.

Lê tươi 1-2 quả, gọt vỏ, muối ăn 9 g (một nhúm nhỏ), cho thêm 1 lít nước lọc, xay thành nước sinh tố, cho bệnh nhân uống ngày 1-2 lít nước trên. Bài thuốc có tác dụng chống rối loạn điện giải, dùng cho người bệnh cảm sốt. Nếu sốt cao không ra mồ hôi thì nên uống nóng. Nếu ra nhiều mồ hôi nên uống lạnh.

Theo Bác sỹ Vương Thiều Mỹ (nld.com.vn)




CÁC TIN KHÁC

• Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cúm H1N1 mới (06/08/2009)
• Đậu xanh làm đẹp da, chữa bệnh (06/08/2009)
• 7 mẹo nhỏ chống say xe (05/08/2009)
• Ăn uống và phòng ngừa bệnh gút (05/08/2009)
• Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên ở Việt Nam tử vong (04/08/2009)
• Ðiều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng sóng siêu thanh (25/07/2009)
• Bài thuốc chữa hóc xương của cụ bà 80 tuổi (25/07/2009)
• Dùng sừng tê giác: “Thái quá bất cập” (23/07/2009)
• Ung thư gan: có thể chữa được nếu phát hiện sớm (23/07/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd